Cao Thiên Hựu, người huyện Dĩnh Thượng, tỉnh An Huy, trước đây đã từng cùng hai người bạn đồng học đến Giang Ninh dự thi. Mọi người nghe danh thiền sư Thủ Nguyên ở núi Kê Minh là người đạo hạnh, liền rủ nhau đến nơi tham bái.

Thiền sư nhân đó nói với ba người rằng: “Hai vị này đều sẽ thi đỗ, chỉ riêng ông Cao không thể đỗ vì đã mê muội dùng kinh Lăng Nghiêm làm gối kê đầu.”

Nghe thế, Cao Thiên Hựu ngạc nhiên lắm, nhưng bình tĩnh suy nghĩ lại hồi lâu, mới nhớ ra trong tráp có một bộ kinh Lăng Nghiêm, lúc nằm nghỉ chẳng bao giờ lấy ra, lại dùng cái tráp ấy gối đầu.

Đến lúc có bảng báo kết quả thi, quả thật đúng như lời thiền sư.

Lời bàn:

Có người thắc mắc rằng, tất cả sách vở kinh thư đều nên tôn trọng, sao lại chỉ tôn sùng riêng Kinh điển nhà Phật? Những người ấy không biết rằng, tuy chữ nghĩa giống nhau, nhưng giáo pháp của Như Lai làm lợi ích khắp cả chúng sanh, hết thảy tám bộ trời rồng, không ai là không tin tưởng làm theo, nên những sách vở thư tịch thông thường không thể nào sánh kịp. Cũng như chiếu chỉ vua ban, không thể xem đồng như các văn bản khác.

Xét như việc Cao Thiên Hựu khinh thường kinh Phật mà phải chịu hậu quả đi thi không đỗ như thế, thì người phát tâm in truyền Kinh điển công đức lợi ích như thế nào hẳn có thể biết được.

Lời người chép: Nhắc đến chuyện này trong lòng không khỏi run sợ. Trước khi đọc sách, vốn dĩ luôn nghĩ Phật tại tâm, nên hay xuề xoà cũng không biết trân quý kinh sách, lễ kính Tam Bảo. Giờ đọc câu chuyện này, thật trong lòng rất hối hận. Nhớ đến một lần đi máy bay về nước, để cuốn kinh cũ trong cặp sách, mà cặp sách lại phải để dưới sàn máy bay. Sau khi máy bay cất cánh rồi, lại không biết đem kinh ra, lại còn gác chân lên cặp sách nữa. Tựa hồ lỗi vô cùng lớn, không biết sau này có đoạ địa ngục hay không. Sáng nay lễ kính Tam Bảo, lạy Phật, người chép có cầu xin sám hối, từ nay không bao giờ dám để kinh sách lung tung nữa. Nay chép lại bài này trên Internet, hy vọng có ai đó hữu duyên đọc được, thì có ích lắm.