Hình tượng nếu có thể để thờ hoặc cất giữ thì hãy thờ hoặc cất giữ. Nếu chẳng thể thờ hoặc chẳng giữ được nữa thì hãy thiêu hoá đi. “Huỷ tượng đốt kinh tội cực sâu nặng” là nói về những thứ kinh tượng có thể để thờ hoặc cất giữ được. Nếu chẳng thể để thờ hoặc để giữ được mà vẫn cứ chấp vào nghĩa này sẽ trở thành khinh nhờn! Ví như đứa con trong lúc cha mẹ còn sống, ắt phải tìm cách sao cho cha mẹ được an toàn. Cha mẹ mất rồi, ắt phải tính cách mai táng. Nếu là kẻ ngu chẳng hiểu lý, thấy người khác mai táng cha mẹ được coi là thực hiện lòng hiếu, bèn muốn đem cha mẹ đang sống sờ sờ chôn đi cho trọn hiếu, hoặc thấy người khác phụng dưỡng cha mẹ là hiếu, bèn đối với cha mẹ đã chết vẫn theo quy cách phụng dưỡng thường nhật mà phụng dưỡng. Hai loại người này đều chẳng phải là chân hiếu!
Kinh chẳng thể đọc được, tượng chẳng thể thờ được nữa, lẽ đương nhiên hãy nên thiêu đi, nhưng chớ nên làm giống như thiêu giấy chữ bình thường, mà phải tạo ra đồ để thiêu riêng, giữ gìn nghiêm ngặt chẳng để cho tro bay sang chỗ khác. Đem tro đấy đựng trong túi vải may thật kín, lại bỏ thêm cát sạch hoặc đá sạch để hễ bỏ xuống nước sẽ chìm ngay, chẳng đến nỗi giạt vào hai bờ. Nếu có ai ra biển, đến chỗ sâu bỏ xuống giữa biển, hoặc nơi sâu trong sông to thì được, chớ bỏ xuống ngòi nhỏ, rạch nhỏ. Người làm được như vậy là đúng pháp. Nếu chẳng bỏ thêm cát, đá, chắc chắn sẽ bị trôi giạt vào hai bờ, vẫn trở thành tội khinh nhờn. Tội ấy chẳng nhỏ đâu, nhưng chớ nên dùng đá dơ, ngói dơ!