Cuối phần Đàm Quỷ (nói về chuyện quỷ thần), đối với chuyện Mục Chương A, lời phán định của các hạ tuy hay, nhưng xét ra chưa phải là thật nghĩa.

Mục Chương A (1782-1856) tự là Tử Phác, hiệu Hạc Phưởng, thuộc cánh quân Cờ Viền Lam của quân đội Mãn Châu. Đỗ tiến sĩ năm Gia Khánh thứ 10 (1805), giữ nhiều chức vụ quan trọng, được cử vào Quân Cơ Xứ dưới thời Đạo Quang. Do khéo nịnh nọt nhà vua, nên được phong chức Tào Vận Tổng Đốc, coi về thuỷ binh và giao thông đường thuỷ nhiều tỉnh Bắc Trung Hoa. Khi cuộc chiến tranh Nha Phiến nổi ra, để lấy lòng vua, họ Mục đã quy tội và cách chức các vị trung thần như Lâm Tắc Từ, Đặng Đình Trinh. Khi Hàm Phong lên ngôi, vua xét án cũ, tái sử dụng Lâm Tắc Từ, đồng thời kết tội Mục Chương A “bảo vệ địa vị, tham đắm vinh hoa, hại người hiền, phá đất nước” đuổi về làm dân, vĩnh viễn không được tham gia triều chánh. Về sau, họ Mục bị bệnh chết.

Nay tôi chẳng tiếc khẩu nghiệp để giải thích đại lược. Mục Chương A suy nghĩ, xử sự không gì chẳng phải là ác, đến lúc lâm chung biết trước lúc mất, từ biệt mọi người rồi ngồi mà mất. Người ấy trong đời trước đã tu trì lớn lao, sức Định Huệ sâu xa, cho nên đời này tuy mê muội tạo nghiệp, luận theo đời này ắt phải đoạ thẳng vào địa ngục A Tỳ, chịu khổ đến hết kiếp, nhưng do ác nghiệp đời này chưa chín muồi, thiện căn đời trước tỏ lộ. Do vậy, vẫn có thể nương vào sức lành đời trước, tận lực tu trì Tịnh Nghiệp, nương theo Phật từ lực vãng sanh Tây Phương, chẳng phải thọ ác báo của những ác nghiệp đã tạo trong đời này. Nếu không biết nghĩa này, vẫn noi theo nghiệp y như cũ thì khi thiện nghiệp đời trước đã hết, ác nghiệp đời này sẽ lại phát hiện, nỗi khổ ấy chẳng thể nào diễn tả được!

Trong đời này, do người lành mắc hoạ, kẻ ác hưởng phước, phàm phu chẳng biết túc nghiệp trong đời trước bèn nói nhân quả sai lầm, báo ứng hay lẫn lộn! Người có Tha Tâm Túc Mạng Thông thấy nhân quả báo ứng tơ hào chẳng sai, tình lẫn lý đều ổn thoả. Cái chết tốt lành của Mục Chương A chẳng phải là do may mắn! Dương Kế Thịnh chết oan khuất chẳng phải là bất hạnh! Ai nấy đều có nhân trước và quả sau, ấy là do được đền đáp hay phải trả nợ mà thành khác biệt. Đạo báo ứng có nhiều loại chẳng phải chỉ có một, chẳng thể dùng đời này để phán đoán được!

Vì thế, kinh dạy rõ ba thứ quả báo. Ba thứ quả báo là Hiện Báo, Sanh Báo và Hậu Báo.

Hiện Báo là đời này làm thiện, tạo ác, đời này sẽ hưởng phước hay mắc hoạ. Đây chính là điều phàm phu trong thế gian đều thấy cùng biết được.

Sanh Báo là đời này làm thiện, tạo ác, đời sau hưởng phước, mắc hoạ. Phàm phu trong thế gian tuy chẳng thấy biết được, nhưng đại lực quỷ thần, thiên tiên vẫn có thể thấy biết được!

Hậu Báo là đời này làm thiện, tạo ác, đến đời thứ ba, hoặc bốn, năm, sau, bảy đời sau, hoặc mười, trăm, ngàn, vạn đời hoặc đến vô lượng vô biên Hằng hà sa số kiếp mới hưởng phước hay mắc hoạ. Nếu ba, bốn, năm đời và mười trăm ngàn đời, có lẽ thiên tiên còn thấy được, chứ đến năm, sáu, bảy, tám vạn kiếp, đạo nhãn của bậc Thanh Văn vẫn còn thấy được. Nếu đến vô lượng vô biên Hằng hà sa kiếp thì nếu chẳng phải là Ngũ Nhãn viên minh của đức Như Lai sẽ chẳng thể thấy được!

Nương theo các pháp môn khác, cậy vào tự lực để đoạn hoặc chứng Chân liễu sanh thoát tử, phần nhiều đều chỉ gieo thiện căn phước huệ, chẳng thể cao tự dòng thánh. Vương Thập Bằng, Tô Đông Pha, Hoàng Đình Kiên, Tăng Lỗ Công.. đều là những vị cao tăng xuất chúng chót vót trong đời trước, nhưng đời này đã kém hơn đời trước, đời sau lại chẳng biết kết cục sẽ như thế nào? Nghĩ đến đây, đúng là đau lòng, ứa lệ, thở dài sườn sượt! Nếu chẳng phát phẫn chuyên tu một pháp “cậy vào Phật từ lực vãng sanh Tịnh Độ” thì là xong rồi!