Không mở miệng hoá duyên, không chùa miếu, không đồ đệ

Khoản tiền cứu trợ đã giao cho nơi lạc quyên tại Thượng Hải, nay tôi đem biên nhận gửi lại. Quang già rồi, sẽ chết trong sáng tối, nào còn có tinh thần để lo chuyện lớn ấy? Nhưng từ năm Dân Quốc thứ 7 (1918) đến nay, Quang lưu thông các kinh sách đều vì nhiệm vụ cấp bách “ngân ngừa để dứt tai hoạ”, chỉ không theo đuổi công việc thành lập đội quyên cứu trợ mà thôi! Lời ông nói chỉ là biết một phía, chứ chẳng biết tới hai. Quang từ khi xuất gia đến nay phát nguyện chẳng trụ trì chùa miếu, chẳng thế độ đồ đệ, chẳng dự vào các hội đoàn. Từ năm Dân Quốc thứ bảy đến nay, các đoàn thể từ thiện các nơi đem sổ vàng gởi đến từ một hoặc mười cho đến mấy chục quyển, tôi đều để nguyên những cuốn sổ ấy, đem gởi trả lại bằng thư bảo đảm, rồi tuỳ theo sức mình bà bỏ ra bao nhiêu đó (chẳng viết khoản tiền ấy vào sổ để khỏi làm cho cuốn sổ ấy không sử dụng được nữa). Mỗi năm đều quyên tặng cả ngàn động trở lên. Nếu lại đề xướng quyên mộ, chẳng thể nào không mệt nhọc đến chết!

Quang không có chùa miếu, không đồ đệ; tất cả những khoản tiền biếu tặng hễ có liền sử dụng ngay, trọn chẳng hướng về người khác mở miệng hoá duyên. Bởi lẽ, Tăng sĩ thường hay hoá duyên, Quang chẳng muốn giống như họ. Dẫu chê Quang thiếu từ bi, Quang cũng chẳng đếm xỉa tới, cốt sao khỏi bị kẻ vô tri nói Quang mượn cớ này để cầu lợi!

Nhân duyên về chuyện nuôi hổ

Nói đến chuyện con hổ của ông Trương X… được nuôi từ nhỏ, há có phải là Quang có đạo để khuất phục nó đâu? Ông ta giỏi vẽ hình hổ, nên nhiều lần nuôi hổ. Con hổ nuôi lần trước đã chết; năm trước lại mua được một con hổ bé mới lọt lòng mẹ. Hằng ngày phải nuôi bằng thịt bò, một năm, hổ ăn hơn hai con bò, đấy chính là do mê loài vật mà vùi lấp chí hướng! Lại còn cho hổ ăn thịt bò, quả thật tạo sát nghiệp kể sao cho xiết? Quang nói với người bạn: “Hãy nên khuyên ông ta nuôi hổ bằng món chay, đừng cho nó ăn thịt bò.”

Hơn nữa, ông ta hằng ngày vẽ hình hổ, ôm ấp hổ, sợ rằng đời sau sẽ đầu thai làm thân hổ thì đáng thương lắm! Ngày hôm ấy, người ấy và con ông ta với một con chó cùng đến. Chó còn dễ ngươi hổ, con cái đều có thể vuốt ve hổ. Khi đến chỗ ông ta vào năm ngoái, hổ chưa tròn một tuổi mà đã không kém phần to lớn. Lúc tới chuồng hổ, họ cầm theo một cái vò sắt tây. Có lúc hổ không nghe theo mệnh lệnh thì hướng miệng cái vò sắt Tây về phía hổ, hổ liền thuận theo. Do miệng vò toác ngoác, hổ sợ bị ăn thịt! Quang một mực chẳng thích phô trương mù quáng, nên đối với con hổ được nuôi từ bé hoàn toàn chẳng để ý. Nếu bảo đấy là dùng đạo đức để khuất phục con hổ thì còn đáng để ca ngợi, chứ chuyện này chẳng có giá trì gì để kể lể cả! Sao lại không có chuyện gì mà cứ bới chuyện ra vậy?

(Ngày mười sáu tháng năm năm Dân Quốc 26 - 1937)

Dựa trên bài viết “Nhân duyên của tôi với Ấn Quang Đại Sư” của cư sĩ Vương Vỹ thì: “Người bạn đã khuất của tôi là Trương Thiện Tử nuôi một con hổ ở vườn Võng Sư. Ngẫu nhiên, tôi kể chuyện ấy với Sư, Sư cho rằng cọp dã tánh khó thuần, sợ rằng cuối cùng nó sẽ giết người! Tôi xin Sư quy y cho nó, Sư gật đầu bằng lòng, bèn cùng Thiện Tử dẫn hổ đến trước Sư để nói Tam Quy và ban pháp danh Cách Tâm. Từ đấy, hổ bèn hiền hoà, ngoan ngoãn, không lâu sau chết đi, cũng là một duyên lạ.” Cư sĩ Trần Hải Lượng bèn ghi thêm lời nhận xét vào đoạn văn này: “Thiện Tử thích vẽ hình hổ, nuôi một con hổ để làm vui. Sư trông thấy nói: Con hổ này tâm hung bạo vẫn còn, hãy nên cẩn thận.” Quy y không lâu sau hổ chết, ấy chính là nhờ từ lực của sư gia bị nên đã thoát khỏi súc sanh đạo đấy chăng?” Có lẽ khi ấy cư sĩ Hoán Văn ở xa cũng nghe được chuyện này nên viết thư hỏi chuyện đại sư. Thư đáp của đại sư là lời khai thị chất phác, trọn chẳng có ý tự khoe khoang mày may nào. Suốt đời đại sư chủ trương chẳng cần phải théo thói kẻ cả, đọc thư này càng thêm tin tưởng điều ấy.

Ngày mười sáu tháng mười một, năm Dân Quốc 32 La Hồng Đào