Nhận được thư, biết cái “đạo” mà ông đã nói từ trước đến nay đều là đạo của tà ma, ngoại đạo! Từ đấy trở đi, đọc các kinh Đại Thừa đều là những pháp môn cậy tự lực để liễu sanh tử. Pháp môn tuy cao sâu, huyền diệu, nhưng muốn nhờ vào đấy để liễu sanh tử thì lại chẳng biết cần phải trải qua bao nhiêu kiếp số! Nếu ước theo Viên Giáo của Đại Thừa để luận, địa vị Ngũ Phẩm vẫn chưa thể đoạn được Kiến Hoặc, địa vị Sơ Tín mới đoạn được Kiến Hoặc, mới có thể vĩnh viễn không còn sợ tạo ác nghiệp, đoạ ác đạo! Nhưng cần phải tấn tu dần dần, đã chứng được Thất Tín thì mới liễu sanh tử. Sơ Tín thần thông đạo lực đã chẳng thể nghĩ bàn, nhưng vẫn phải đạt được đến địa vị Thất Tín mới liễu sanh tử. Chuyện liễu sanh tử há dễ dàng ư?
Ước theo Tạng Giáo của Tiểu Thừa để luận, đoạn Kiến Hoặc liền chứng Sơ Quả, tuỳ ý chẳng còn làm chuyện phạm giới. Nếu chẳng xuất gia cũng sẽ cưới vợ sanh con. Nếu dùng oai thế bức hiếp, bắt buộc họ phạm tà dâm, thà chịu bỏ mạng, quyết chẳng chịu phạm giới. Sơ Quả chỉ tiến chứ không lùi, nhưng người chưa chứng được Sơ Quả thì không nhất định. Đời này tu trì cực tốt, đời sau tạo đại ác nghiệp! Cũng có người nửa đời đầu thì tốt, nửa đời sau lại xấu xa. Sơ Quả còn phải bảy lần sanh lên trời, bảy lượt sanh trong nhân gian mới chứng được Tứ Quả. Tuổi thọ cõi trời thật dài, chẳng thể dùng năm tháng để luận. Cậy vào tự lực để liễu sanh tử khó khăn như thế đó!
Pháp môn niệm Phật chính là pháp môn đặc biệt trong Phật pháp. Nương theo Phật từ lực có thể đới nghiệp vãng sanh (Ước theo cõi này, vẫn chưa đoạn Hoặc nghiệp nên gọi là “Đới Nghiệp”. Nếu sanh về Tây Phương thì không có nghiệp để được, chứ không phải là mang theo nghiệp đến Tây Phương.) Bất luận công phu sâu hay cạn, nếu đầy đủ lòng tin chân thành, nguyện thiết tha, chí thành xưng niệm, không một ai chẳng vãng sanh! Nếu là phàm phu muốn cậy tự lực để tu trì hết thảy pháp môn hòng liễu sanh tử thì khó lắm, khó như lên trời! Ông muốn Quang dạy ông sao cho viên giác diệu tâm của ông được khai ngộ thênh thang (tâm ấy chính là tâm do Đức Phật đã chứng), chân cảnh Tịch Quang thường được hiện tiền (cảnh ấy chính là cảnh Đức Phật ngự), bài nguyện văn của Tổn Liên Trì tuy có câu này, nhưng đừng sanh lòng si dại mong đạt được ngay! Nếu muốn đạt được ngay, ắt sẽ bị ma dựa phát cuồng, Phật cũng chẳng thể cứu đuộc! Ví như trẻ nít vịn tường mà bước còn khó khỏi vấp té, nếu muốn bay lượn trên không, xem khắp bốn biển, há chẳng phải là nói mớ ư? Chỉ cầu vãng sanh, liền liễu sanh tử. Nếu muốn ngộ cái tâm này, thấy được cảnh này, vẫn cần phải tu dần dần thì mới ngộ được từng phần, thấy từng phần. Nếu muốn thấy trọn vẹn, ngộ trọn vẹn mà chưa thành Phật sẽ không thể được! Ông quá thiếu tự lượng, Quang đã nói toạc ra, hãy nên quyết chí chú trọng cầu sanh Tây Phương. Mong muốn vượt phận sẽ đâm ra trở thành cái gốc đoạ lạc trong tà ma, ngoại đạo đấy!
Xin hãy đọc kỹ Văn Sao thì phương pháp tu trì, lợi ích, thói tệ sẽ đều biết rõ, ở đây không viết đầy đủ. Niệm Phật thì âm thanh lớn hay nhỏ phải cho thích hợp, niệm nhanh hay chậm cho hợp lẽ. Nếu niệm lớn tiếng dữ dội như chạy giặc thì thoạt đầu tâm hoả bốc lên, có thể bị thổ huyết, trở thành bệnh không chữa được! Cần phải niệm cho rõ ràng trong tâm, miệng niệm cho rõ ràng, tai nghe cho rõ ràng. Dẫu niệm thầm cũng phải thường nghe, vì hễ tâm vừa khởi niệm liền có tướng của tiếng. Tai chính mình nghe tiếng niệm trong tâm của chính mình, cố nhiên rõ ràng rành rẽ. Đừng dấy lên ý niệm xấu, đâu còn có cảm giác khó chịu, “tâm nóng như lửa bốc” nữa! Trong khoảng tháng chín, tháng mười, nếu đường bưu điện thông suốt, sẽ gởi cho ông một gói Văn Sao Tục Biên.