Đương gia của hạ viện đem thơ Nhậm Niên gởi đến và gói hàng giao cho Quang, mới biết vải trơn được gởi tới là nhờ Nhậm Niên in. Chuyện này tội lỗi đến cùng cực, đem danh hiệu của Bồ Tát [in trên vải] làm đệm quỳ để lễ, thuộc vào cái tội khinh nhờn đến cùng cực. Huống chi có chỗ dùng vải ấy để bọc đệm ngồi.
Năm Quang Tự thứ hai mươi (1984), ở Phổ Đà tôi đã từng trông thấy. Năm Quang Tự hai mươi mốt (1895) ở chùa A Dục Vương, tôi lại thấy, thật là quái dị. Tôi bảo cùng điện chủ điện Xá Lợi, ông ta bảo: “Đấy là tập quán của vùng Ninh Ba.” Tự thẹn mình không có sức để cứu vãn thói ác đấy. Nếu như Quang là chủ nhân một phương, ắt sẽ đi khắp chốn nói rõ lỗi hại của chuyện này, ngõ hầu những ai có tín tâm chỉ được lợi ích chớ không bị tổn hại. Người gởi đã là bà con rất thân của ông, sao không thuật rõ tội phước, mong ông ta chỉ dùng vải trơn để làm đệm quỳ lễ, một là chẳng làm bẩn vải, hai là chỉ được lợi ích không bị tổn hại. Vậy mới là có ích cho ông ta, có nên theo thói tục im lặng chăng? Hãy thay tôi thỉnh cầu ông ta! An Sĩ Toàn Thư in chữ ở cuối sách (bìa sau) ông còn chịu nói đến tội lỗi, thế mà cái lỗi này còn lớn gấp trăm ngàn vạn lần lỗi kia! Hãy nên bảo tường tận cùng hết thảy những người tín tâm.
Ấn ở chùa A Dục Vương đã hư nát chẳng thành dạng chữ nữa (Đây chính là cái ấn mà Quang đã thấy trong năm Quang Tự hai mươi mốt), quả thật là ấn chân thân xá lợi bảo tháp của Thích Ca Như Lai. Phổ Đà có mấy cái ấn, ấn vàng, ấn ngọc chùa Pháp Vũ, đều là Quán Âm bảo ấn sắc tứ kiến tạo Nam Hải Pháp Vũ thiền tự. Trong cõi tục, nếu con cháu đem tên tuổi tổ phụ in trên đệm quỳ lễ, ắt bị quở là ngỗ nghịch, huống hồ danh hiệu của Phật, Bồ Tát, đại thánh nhân ư? Hãy nên đối trước kẻ thân tín, khuyên họ chớ làm việc như thế, từ một truyền mười, từ mười truyền trăm, truyền ngàn, truyền vạn, há chẳng thể diệt được thói ác ấy hay sao? Phàm mọi chuyện đều do một người đề xướng, mọi người hùa theo bèn thành tục lệ, há riêng mình chuyện phản tà quy chánh là chẳng giống vậy ư?