Con người một đời thành hay bại đều do lúc niên thiếu nhiều phen tài bồi mà ra. Ngươi đã thành đồng tử, phải biết tốt-xấu, trọn chẳng được học đòi những thói thời thượng, hãy nên học Hiếu, học Đễ, học Trung Hậu, Thành Thật. Trong lúc tuổi trẻ này, tinh lực cường tráng, nên nỗ lực đọc sách. Phàm đọc qua những sách gì nên nghĩ đến những điều sách đã nói, phải hành theo điều đó, chẳng phải là đọc xong rồi thôi! Những điều sách nói nếu chẳng dễ lãnh hội thì Âm Chất Văn, Cảm Ứng Thiên.. đều là nói thẳng, hãy khéo lãnh hội! Hãy nên thường đọc, thường ngẫm nghĩ, sửa lỗi hướng thiện, trong lúc rảnh hãy nên niệm A Di Đà Phật và Quán Thế Âm Bồ Tát để mong tiêu trừ nghiệp chướng, tăng trưởng phước huệ, chớ cho như vậy là nhọc nhằn. Cổ ngữ nói: “Trẻ khoẻ không nỗ lực, giá lớn luống buồn thương!” Lúc này nếu đễ lỡ làng quang âm, sau này dù có nỗ lực cũng khó thành tựu, bởi thời giờ đã qua, sức nhớ đã kém, học phải dùng sức nhiều nhưng hiệu quả ít ỏi!

Thứ nhất phải làm một người tốt, thấy người hiền mong được bằng, thấy người không hiền trong lòng tự cảnh tỉnh. Thứ hai là phải biết nhân quả báo ứng, nhất cử nhất động chớ có mặc tình phóng ý, cần phải nghĩ việc này có ích gì cho mình, cho người thân và cho mọi người hay không? Chẳng những làm việc như thế, mà ngay cả suy nghĩ cũng nên như thế. Khởi tâm tốt sẽ có công đức, khởi tâm xấu sẽ mắc tội lỗi! Phải nghĩ mong được quả báo tốt, phải giữ tâm tốt, nói lời tốt, làm chuyện tốt, có lợi cho người và vật, vô hại cho mình - người mới nên. Nếu không thể như vậy, há có báo tốt gì mà mong? Ví như đem hình tượng xấu đặt trước gương sáng, quyết định chẳng thể có hình ảnh đẹp đẽ xuất hiện! Hình bóng hiện ra trọn chẳng khác gì hình tượng xấu xí ấy! Nếu người hiểu sâu xa nghĩa này, tương lai ắt thành một bậc chánh nhân quân tử, khiến cho hết thảy mọi người đều tôn trọng ái mộ! Mong hãy suy nghĩ cẩn thận, xét nghĩ kỹ càng thì may mắn lắm thay!