Tuỳ duyên giúp người có nhiều hình thức. Có thể tóm tắt thành mười loại như sau:

1. Khiến người làm thiện không cần lời

Thế nào là khiến người làm thiện? Xưa, vua Thuấn thấy những người đánh cá ở ao Lôi đều tranh nhau chiếm chỗ sâu nhiều cá. Còn người già yếu thành chịu thua phải câu nơi nước cạn hay nước chảy xiết. Thuấn thấy tội nghiệp, bèn tham gia đánh cá. Nhưng khi thấy người nào dành chỗ thì ông im lặng không nói. Còn khi gặp ai nhường chỗ cho nhau thì ông hết lời khen ngợi và noi gương. Một năm sau, những người đánh cá đều bắt chước nhường chỗ cho nhau.

Ôi, với trí thông minh tài giỏi của vua Thuấn, không lẽ không đủ lời để giáo hoá được họ sao? Nhưng ngài vẫn chịu khó nghĩ ra cách lấy thân làm gương để khiến người khác làm thiện mà không cần nói một lời nào, thật là tế nhị.

Chúng ta sống trong thời mạt thế này, đừng lấy ưu điểm của mình mà chèn ép người khác, đừng lấy việc hay của mình đi so sánh với người khác, đừng lấy tài giỏi của mình đi làm khó dễ người khác. Đừng nên khoe lộ tài trí của mình, chỉ sử dụng lúc cần mà thôi. Khi thấy người khác làm lỗi, nên bao dung che dấu, để họ vừa có dịp tự sửa chữa vừa e ngại không dám lộng hành. Nếu thấy người ta có chút ưu điểm đáng để noi theo hay làm được việc tốt đáng kể ra, thì ta bèn bỏ cái của ta mà noi gương họ và tán dương cho mọi người biết. Hằng ngày, dù nói một lời nói hay làm một việc làm, đều nên xuất phát từ ý nghĩ lợi tha. Vì việc nên làm mà làm, đó mới là phong độ của thánh nhân, nhìn mọi việc đều là của chung vậy.

2. Thánh phàm khác chỗ lòng kính yêu

Thế nào là lòng kính yêu? Xem bề ngoài Quân tử và tiểu nhân đều rất dễ lẫn lộn, vì tiểu nhân có thể giả dạng quân tử. Nhưng lòng quân tử và lòng tiểu nhân khác xa nhau một trời một vực, một đằng là thiện, một đằng là ác như trắng và đen vậy. Cho nên người ta nói: “Quân tử và người phàm chỉ khác nhau tấm lòng mà thôi. Lòng quân tử chỉ gồm sự tôn kính và yêu thương.” Nói một cách tổng quát, tánh người có nhiệt tình, lạnh lùng, sang trọng, bẩn thỉu, khôn khéo, ngu dại, tài giỏi, hèn nhát… đủ hạng người, nhưng đều là anh em của ta cả, đều cùng một bản thể cả. Ai mà không đáng kính yêu? Kính yêu mọi người tức là kính yêu thánh hiền. Hiểu được ý hướng của mọi người là hiểu được ý hướng thánh hiền. Tại vì sao? Ý hướng của thánh hiền đều muốn mọi người an cư lạc nghiệp. Cho nên ta ở đâu cũng kính người thương người, làm cho mọi người an lạc hạnh phúc, là đã thực hiện dùm cho thánh hiền rồi đó.

3. Nâng đỡ người thiện đến nơi chốn

Thế nào là nâng đỡ người thiện? Như ngọc ẩ21n trong đá, nếu biết gia công mài dũa ắt sẽ trở thành khuê chương quý giá. Nếu không thì giá trị của họ sẽ bị chôn vùi trong đống gạch. Con người cũng vậy. Khi thấy ai có chí hướng cao, có phẩm chất quý thì ta đều phải nâng đỡ người đó đến nơi đến chốn. Hoặc khích lệ họ, hoặc bao bọc họ. Nếu họ bị hàm oan thì phải bênh vực họ, chia sẽ nỗi oan ức với họ. Cốt sao giúp cho họ trở nên thành tài hữu dụng mới thôi.

Thông thường hạng người nào chỉ thích hạng người đó. Trong xã hội, hạnng người hiền thì ít còn kẻ ác thì nhiều. Cho nên người hiền rất khó sống trong giới phàm tục. Ngoài ra, tánh người hào kiệt thường ngang tàng không chịu khuất phục ai, cũng không chú trọng bề ngoài và chi tiết nhỏ, cho nên người thường không hiểu được và thường chỉ trích phê bình họ. Vì thế người làm việc thiện thường dễ thất bại và bị nói xấu. Chỉ có người lương thiện đạo đức mới có thể hiểu và nâng đỡ họ. Công đức ấy lớn lao vô cùng.

4. Khuyên người mê lầm phải khéo léo

Thế nào là khuyên người trở về lương thiện? Lòng người chẳng ai không lương thiện? Nhưng khi con người say sưa bận rộn để theo đuổi danh lợi vật dục, thì rất dễ quên đi lương tâm mà sa đoạ làm ác. Khi thấy như vậy ta nên khéo léo dìu dắt nhắc nhỏ lúc họ đang trong cơn mê lầm. Như đánh thức họ khi họ đang trong giấc mơ say. Như người chìm đắm trong vòng lẩn quẩn phiền não mà được kéo ra nơi mát mẻ tỉnh táo. Nếu làm được như vậy thì tạo ân huệ biết bao? Hàn Dũ từng nói: “Khuyên người bằng lời,được lợi tức thời. Viết sách khuyên người, được lợi ngàn đời.” Nếu so với “lấy thân làm gương” như vua Thuấn thì khuyên bằng lời hay bằng chữ tuy có hình thức nhưng nếu áp dụng đúng lúc thì thường đem lại kết quả tốt đẹp bất ngờ, không thể bỏ qua. Gặp người ngang bướng ta dùng thân làm gương, gặp người nhu nhược ta dùng lời khuyên bảo. Nếu khuyên bạn không khéo sẽ mất bạn, lúc đó ta phải tự trách mình đã làm sai chỗ nào rồi.

5. Giúp đỡ nhiều ít không cần biết, ra tay giúp ngay mới là quý

Thế nào là cứu người nguy ngập? Ai cũng có lúc tai ương hoạn nạn, tang gia bối rối. Nếu ta thấy có ai trong trường hợp đó thì coi nỗi khổ của họ như là nỗi khổ của mình mà nhanh chóng cứu giúp. Hoặc dùng lời biện minh cho họ những chuyện oan ức, hoặc dùng mọi cách để giúp họ thoát khỏi những thống khổ triền miên. Thôi Tử có nói: “Giúp đỡ nhiều ít không cần biết, khi cần là ra tay giúp ngay là được rồi.” Đó thực là lời nói của người đầy lòng nhân từ vậy.

6. Xây dựng lợi chung, kêu gọi góp sức

Thế nào là xây dựng lợi chung? Từ thôn xóm đến thành thị, việc gì có ích lợi chung đều phải làm. Như xây dựng cầu cống, dẫn thuỷ nhập điền, như xây đập phòng lụt, sửa chữa cầu đường tiện việc đi lại, hay làm phúc lợi xã hội, giúp người đói khổ. Tuỳ duyên kêu gọi mọi người, góp sức xây dựng. Không ngại gian nan, không sợ ganh ghét.

7. Tập làm thiện, trước tiên tập bố thí

Thế nào là bỏ tiền làm thiện? Phương pháp hành thiện của nhà Phật rất nhiều, nhưng đứng đầu là bố thí. Bố thí nói gọn là một chữ xả mà thôi. Người làm được như vậy sẽ trong xả lục căn, ngoài xả lục trần, xả tất cả những gì đang có. Nếu không làm được như vậy, thì trước tiên tập bố thí bằng tiền. Con người sống cần cơm ăn áo mặc, xem tiền là quan trọng nhất. Nay chúng ta tập xả bỏ tiền, trong có thể phá được tánh tham tiếc của mình, ngoài có thể cứu giúp người đang lâm nạn. Lúc tập ban đầu có lẽ hơi khó, nhưng rồi sẽ quen đi. Bố thí rất dễ rửa sạch được lòng ích kỷ, trừ bỏ tánh keo kiệt.

8. Hộ trì chánh pháp

Thế nào là hộ trì chánh pháp? Pháp là cái thấy của chúng sanh tích trữ trong muôn kiếp và được lưu truyền lại. Nếu không có chánh pháp thì làm sao ta có thể góp phần xây dựng trời đất? Làm sao tài bồi vạn vật? Làm sao thoát khỏi sự ràng buộc bởi lục trần? Làm sao tổ chức lại thế giới và đưa chúng sanh ra khỏi sanh tử luân hồi? Cho nên khi thấy cái pho tượng thánh hiền trong chùa chiền cũng như các kinh sách, ta đều phải kính trọng, bảo trì và tu bổ. Càng phải khuyến khích các việc hoằng dương chánh pháp và cũng như đền đáp ân Phật.

9. Tôn kính người trên như tôn kính trời

Thế nào là tôn kính trưởng lão? Đối với cha mẹ anh chị trong nhà, vua quan trong nước, người già cả, người đạo đức, người có chức vị, có hiểu biết, ta đều phải hết sức để ý vấn đề tôn kính phụng sự. Ở nhà phụng sự cha mẹ phải hết lòng thương mến, đối xử dịu dàng hoà nhã. Tập cho quen tánh hoà thuận, đó là điều căn bản để cảm ứng với trời. Đi ra ngoài phụng sự người trên, làm bất cứ việc gì, đừng nghĩ người trên không biết thì muốn làm gì làm. Xử phạt cũng vậy, đừng nghĩ người trên không biết mà lạm thế làm oai. Cách ngôn có câu: “Phụng sự người trên phải xem như phụng sự trời.” vậy. Ở đây, yếu tố quan trọng nhất là âm đức. Chúng ta thử để ý xem những gia đình trung hiếu, không con cháu nào không phát đạt thịnh vượng lâu dài. Ta phải cẩn thận để ý điều này.

10. Yêu quý mạng sống, nhớ ơn cơm áo

Thế nào là yêu quý mạng sống? Con người sở dĩ xứng đáng gọi là người chỉ vì có lòng thương xót mà thôi. Ta có thể trở nên người nhân nghĩa đạo đức hay không đều căn cứ trên yếu tố đó. Đầu mùa xuân là lúc muôn loài mang thai sanh con đẻ cái. Cho nên Chu Lễ quy định cấm giết súc vật cái làm đồ tế vào tháng Giêng. Mạnh Tử nói: “Quân tử phải tránh xa nhà bếp” là để bảo toàn lòng thương xót của mình vậy. Các vị tiền nhân đều giữ bốn giới không ăn:

Nếu chúng ta chưa có thể hoàn toàn bỏ hẳn được ăn mặn thì cũng nên bắt đầu tập giữ bốn giới này. Rồi dần dần tiến lên. Khi lòng từ bi ngày càng tăng trưởng, lúc đó không những giữ giới không sát sanh thú vật mà còn bảo vệ đến cả những con trùng nhỏ bé vì chúng cũng có linh tính, có mạng sống. Những áo lụa ta mặc đã phải nấu chết biết bao con tằm để lấy tơ? Những miếng cơm ta ăn phải cuốc đất giết hại côn trùng biết bao nhiêu? Ta phải nhớ ơn và tiết kiệm từng miếng ăn áo mặc vì chúng chết để nuôi sống ta. Nếu ta phí phạm chẳng khác gì sát sanh? Còn vô tình giết hại như tay đập chân giẫm thì biết đâu mà kể, ta phải hết sức tránh né. Thơ ngày xưa có hai câu: “Thương chuột để lại chút cơm, thương ngài không đốt đèn dầu.” Thật là từ bi biết bao!

Hình thức hành thiện nhiều vô cùng tận, không sao kể hết. Hãy theo mười điều kể trên mà suy diễn phát huy thì tất cả công đức rồi sẽ đầy đủ.