Niệm Phật ra tiếng hay niệm thầm, nên nhiếp tâm lắng nghe
Người tu tịnh nghiệp cần phải nghiêm trì tịnh giới sanh lòng tin chân thật, phát nguyện thiết tha, chí thành cung kính trì danh hiệu Phật, bất luận niệm ra tiếng hay niệm thầm, đều phải nhiếp tai lắng nghe. Thường nghe thấy tiếng niệm Phật, tâm sẽ tự quy nhất. Cách này ổn thoả, thích đáng nhất, bất luận thượng trung hạ căn đều được lợi ích, trọn không lo bị bệnh. Nay gởi cho ông hai gói Ngũ Kinh, Thập Yếu.. mong hãy đọc kỹ sẽ tự biết sự sâu xa, rộng lớn của pháp môn, chẳng đến nỗi bị tri thức các tông khác lay chuyển, lung lạc.
(Trích thư trả lời đại sư Ứng Thoát - Thư thứ tư)
Cách bế quan chuyên tu Tịnh nghiệp
Khoá sáng tối tụng kinh
Bế quan chuyên tu tịnh nghiệp thì hãy nên lấy niệm Phật làm chánh hạnh. Khoá sáng vẫn chiếu theo lệ thường tụng Lăng Nghiêm, Đại Bi, Thập Tiểu Chú. Nếu không thuộc chú Lăng Nghiêm thì chẳng ngại gì hằng ngày cứ xem kinh mà tụng. Đến khi thật thuộc rồi hãy niệm thuộc lòng. Khoá tối thì kinh A Di Đà, Đại Sám Hối, Mông Sơn cũng phải thường niệm hằng ngày. Ngoài ra, nên niệm Phật từ sáng đến tối, đi-đứng- nằm-ngồi thường niệm.
Niệm Phật và lễ Phật
Lại lập một quy cũ, sáng niệm một lần; trước khi chưa niệm, lạy bao nhiêu đó lạy. Trước hết lạy Bổn Su Thích Ca Mâu Ni Phật ba lạy, rồi lạy A Di Đà Phật bao nhiêu đó lạy, rồi lễ Quán Âm, Thế Chí, Thanh Tịnh Đại Hải Chúng mỗi vị ba lạy, rồi lễ thường trụ thập phương hết thảy chư Phật, hết thảy tôn pháp, hết thảy hiền thánh tăng ba lạy.
Hoặc niệm Phật một ngàn tiếng, hoặc nhiều hơn hay ít hơn. Niệm xong lại lễ chừng đó lạy, buổi sáng một lần, buổi chiều một lần, rồi nghỉ một khắc để tụng khoá tối, đầu hôm niệm Mông Sơn, sau đó niệm Phật bao nhiêu đó tiếng, lễ bao nhiêu đó lạy, phát nguyện hồi hướng, tam quy y xong, trong tâm thầm niệm Phật hiệu để dưỡng hơi.
Lúc nằm chỉ nên niệm thầm trong tâm, đừng nên niệm ra tiếng. Niệm ra tiếng sẽ tổn khí, lâu ngày sẽ thành bệnh. Dẫu là ngủ nghỉ trong tâm vẫn thường giữ lòng cung kính, chỉ cầu tâm chẳng rong ruổi theo bên ngoài, niệm niệm tương ứng với Phật hiệu. Nếu tâm khởi lên tạp niệm, liền lập tức nhiếp tâm kiền thành niệm, tạp niệm sẽ tiêu diệt ngay.
Không khởi vọng tưởng trong lúc niệm Phật dù là vọng tưởng tốt!
Đừng nên mù quáng dấy lên vọng tưởng, mong đắc thần thông, đắc duyên pháp, được tiếng tăm, mong xây chùa dựng miếu. Nếu có những ý niệm ấy, lâu ngày chầy tháng ắt sẽ bị ma dựa. Nếu chẳng nói toạc những điều này với ông, sợ rằng ổng sẽ tưởng những ý niệm ấy là tốt, vọng tưởng ngày ngày tăng trưởng, chắc chắn sẽ bị ma dựa không còn ngờ chi! Dẫu có tâm đã tịnh, vọng bị khuất phục, cũng chớ nên sanh lòng hoan hỷ, tự khoe khoang với người khác, có một phần bèn nói tới mười phần, đấy cũng là cái gốc để ma dựa! Phàm có ai đến thăm, đều khuyên người ấy niệm Phật cầu sanh Tây Phương.
Ai đến thăm đều phải khuyên điều thiện
Lại còn gặp cha nói Từ (nghĩa là dạy con noi theo đạo “hiếu, để, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm, sỉ”) để hành, đấy gọi là Từ. Nếu nuông chiều, chẳng dạy dỗ, dạy cho con học thói hư hỏng thì gọi là Hại, chứ chẳng gọi là Từ được! Chuyện này người đời trong trăm kẻ có đến chín mươi chín kẻ không biết, vì thế tàn sát lẫn nhau này. Nếu nhưb ai nấy đều dạy con đúng đạo thì thế đạo thái bình, chẳng có người xấu. Những kẻ xấu đều là do cha mẹ chúng nó dưỡng thành, tiếc rằng không có ai đề xướng, người biết quá ít, chẳng đáng tiếc lắm thay!
Gặp con nói hiếu, gặp anh nói yêu thương, gặp em nói cung kính, chồng hoà, vợ thuận, chủ nhân từ, tớ trung thành, ai nấy trọn hết chức phận, sẽ là thiện nhân. Lại phải nói với phụ nữ (mà cũng nên nói với nam giới): Phải dạy cho con gái tính tình mềm mỏng, hoà hoãn từ bé, dẫu gặp chuyện không vừa ý cũng chẳng nổi nóng. Tập quen thành tánh, chẳng những vô cùng có lợi cho chính mình mà gia đình cũng được hoà thuận tốt lành, con cái ắt sẽ chẳng chết yểu, tánh tình hiền thiện, nước nhà vui mừng có được hiền tài.
Mẹ nóng tính sẽ làm sữa có độc
Nữ nhân tính tình quá nóng nảy sanh con phần nhiều bị chết, hoặc lắm bệnh. Bởi lẽ, hễ nổi đoá lên, sữa liền biến thành chất độc. Nóng giận quá mức, cho con bú nó chết ngay lập tức. Bớt nóng hơn một chút thì nửa ngày sau, một ngày sau nó mới chết. Hơi nóng giận thì con không chết nhưng chắc chắn sẽ sanh bệnh. Đấy chính là sự lý nhất định không thay đổi được!
Giới y khoa nước ta (ý nói Trung Quốc) trọn chẳng hề nhắc đến, do vậy Quang phải nói rõ ra điều này. Do hiện tại thời cuộc chẳng yên ổn, đường sá ngăn lấp, không có cách nào lưu truyền rộng rãi, cho nên nói với ông và Thanh Thái, phàm những ai học Y hãy đều nên nói với họ, mỗi năm sẽ cứu được vô số trẻ thơ: Trong khoảnh khắc nhất định phải chết hay bị bệnh, sẽ được an lành, không bệnh tật, nên người. Công đức phóng sanh lớn lao, nhưng chuyện này công đức so ra còn lớn hơn phóng sanh nữa! Dùng công đức này để hồi hướng vãng sanh, chắc chắn được mãn nguyện. Có ai thường chịu nói điều này với hết thảy mọi người thì cũng vun bồi công đức không gì lớn bằng! Do ông biết y thuật, đây là chuyện cứu người từ căn bản, là pháp lành không có hình tích gì để có thể thấy được. Nhân sĩ nơi quê tôi trọn chưa nghe thấy lời này. Ông có thể nói những người quen biết ắt sẽ có thể từ một truyền mười, mười truyền trăm, cho đến ngàn vạn vô tận vậy!
Nghi thức bế quan tu Tịnh nghiệp
Nghi thức nhập quan (bắt đầu bế quan) cũng không có quy cách nhất định, nói chung lấy cung kính chí thành làm chủ. Cần phải trong ngày hôm trước (ngày chính thức bế quan), lễ Phật bày tỏ chí nguyện của chính mình, rồi ngay trong hôm ấy (tức là ngày chính thức bế quan) sẽ lễ Phật nơi đại điện, đến quan phòng (nơi bế quan) bảo người hộ quan khoá cửa. Trên cửa phòng dán một tờ thiếp (Bất Huệ minh tâm, phát tâm bế quan, chuyên tu Tịnh Nghiệp, khắp vì mình và người sám trừ lỗi cũ, tăng trưởng thiện căn), viết hai hàng chữ trên một tờ giấy, dán ngay chính giữa trên ô cửa, không cần phải bắt chước những kẻ không hiểu sự: Dùng phong bì hình chĩa ba, viết những điều thệ nguyện để niêm phong cửa quan, thô kệch đến cùng cực! Thời hạn do mình chọn lựa, cũng chớ nên thỉnh người khác đến niêm phong cửa quan phòng. Những kiểu ấy đều là những kiểu cách bày vẽ rỗng tuếch, Quang hết sức chẳng thấy như vậy là đúng!
(Trích từ thư trả lời sư Minh Tâm)