Còn nói đến chuyện niệm Quán Âm để cầu sanh Tây Phương thì có gì là không được? Chẳng thấy kinh Lăng Nghiêm nói: “Cầu vợ được vợ, cầu con được con, cầu phú quý được phú quý, cầu trường thọ được trường thọ, như thế cho đến cầu đại Niết Bàn sẽ đắc đại Niết Bàn” đó ư? Đại Niết Bàn là lý thể chứng được khi thành Phật. Rốt ráo thành Phật mà còn đạt được, huống hồ vãng sanh Tây Phương ư? Hơn nữa, Quán Âm và Di Đà đều cùng làm một chuyện độ sanh, nào có phân biệt? Nhưng cũng phải sáng tối niệm Phật thì sự lý mới viên dung! Chẳng thấy trong kinh Đại Bi, đức Quán Âm dạy người lễ bái, trì chú thì trước hết phải niệm danh hiệu A Di Đà Phật đó sao?
Trích thư trả lời hoà thượng Truyền Độ
Tại hoà hoằng hoá phần nhiều xiển dương kinh điển Tịnh Tông; pháp môn Tịnh Độ lý cực cao sâu, sự cực giản dị: Do chúng ta luân hồi trong sanh tử đã trải kiếp dài lâu, đã tạo ác nghiệp vô lượng vô biên, nếu cậy vào sức tu trì của chính mình mà muốn diệt sạch phiền não hoặc nghiệp để liễu sanh thoát tử sẽ khó hơn lên trời! Nếu có thể tin tưởng pháp môn Tịnh Độ của đức Phật, dùng lòng tin chân thành, nguyện thiết tha niệm danh hiệu A Di Đà Phật cầu sanh Tây Phương thì bất luận nghiệp lực lớn hay nhỏ, đều có thể cậy vào Phật từ lực vãng sanh Tây Phương. Chỉ mong toạ hạ mỗi ngày giảng kinh xong, sẽ suất lãnh đại chúng niệm Phật một tiếng đồng hồ, hồi hướng thế giới hoà bình, nhân dân yên vui, đừng bàn luận nhiều về những điều huyền diệu.
Nay thế đạo nhân tâm đã suy hãm đến cùng cực, thiên tai, nhân hoạ, giặc cướp đầy dẫy, nếu chẳng dùng nhân quả, báo ứng, sanh tử, luân hồi để giáo huấn, quyết khó thể nào đạt được hiệu quả. Nên biết rằng: sự lý nhân quả ba đời, sanh tử, luân hồi do đức Phật ta đã nói chiếu rạng ngời như mặt trời, mặt trăng, là đuốc huệ trong đêm dài vô minh; giảng kinh, niệm Phật, hồi hướng cầu sanh thế giới Cực Lạc chính là thuyền Từ trong bể khổ sanh tử, muốn vãn hồi kiếp vận mênh mông này mà bỏ pháp môn này thì không còn nhờ vào đâu được nữa!
Trích thư trả lời pháp sư Trần Không - thư thứ nhất
Phật pháp pháp nào cũng viên thông, nếu dùng tâm chí thành thọ trí ắt sẽ có cảm ứng chẳng thể lường được! Chỉ có niệm Phật, niệm Quán Âm là dễ cảm thông nhất, những kẻ bình dân không ai chẳng biết đến sự cứu khổ cứu nạn của Quán Âm Đại Sĩ. Hãy nên bảo Chí Thoát ăn chay trường, hằng ngày lễ niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” và niệm thánh hiệu “Nam Mô Quan Thế Âm Bồ Tát” ắt sẽ có cảm ứng. Nay đặt pháp danh cho Chí Thoát là Thông Sướng, nghĩa là niệm thánh hiệu ngõ hầu túc nghiệp tiêu diệt, tâm địa thông đạt, lời lẽ thông suốt vậy. Sáng tối niệm Phật bao nhiêu đó câu, niệm Quán Âm cũng chừng đó. Ngoài ra thì từ sáng đến tối chuyên niệm Quán Âm (bất luận niệm ra tiếng, niệm thầm, đều phải dùng tai lắng nghe, hễ nghe thì công đức càng lớn. Đi, đứng, nằm, ngồi đều niệm được. Khi nằm và lúc áo mũ không chỉnh yề, chưa rửa tay, súc miệng thì đều nên niệm thầm.)
Trong kinh Lăng Nghiêm, đức Quán Âm nói: “Ta đắc Phật tâm, chứng nơi rốt ráo, có thể dùng trân bảo đủ mọi cách cúng dường mười phương Như Lai cùng với pháp giới lục đạo chúng sanh, cầu vợ được vợ (cầu vợ là cầu được người vợ hiền thiện), cầu con được con, cầu tam muội được tam muội, cầu trường thọ được trường thọ, như thế cho đến (từ ngữ Như thế cho đến bao gồm hết thảy những điều mong cầu” cầu đại Niết Bàn đắc đại Niết Bàn”. Đại Niết Bàn là Phật quả rốt ráo mà còn có thể cầu được, huống là những chuyện nhỏ nhặt khác mà chẳng thể được ư? Hãy nên phát tâm tự lợi, lợi tha, tuỳ theo lòng thành của người mong cầu và sự tinh thuần của hạnh ấy lớn hay nhỏ mà được cảm ứng. Nếu muốn làm chuyện ác mà cầu Bồ Tát thì chẳng những không được phước mà còn mắc hoạ lớn. Phàm hết thảy những bệnh thuốc men chẳng thể trị được đều dùng thuốc A Già Đà một vị này để chữa trị. _ Ngày mùng năm tháng tám năm Dân Quốc 29 - 1940 - Trích từ thư trả lời hoà thượng Bỉnh Sơ_