Câu hỏi:
Lúc Phật còn tại thế, tuy chia ra hai chúng Bồ Tát và tỳ kheo. Tỳ kheo tuy hình dáng khác tục, một mực trì giới theo như đức Phật đã chế định. Khi kiết hạ, dẫu lìa khỏi Phật ở một mình, cũng vẫn không có những tiêu chuẩn (để phán định) là trì giới hay phạm giới, bất quá mỗi vị giữ một tượng người bằng sáp để làm chuẩn mà thôi! Nếu như vậy thì rõ ràng là “quy chế cầu giới cố nhiên chẳng phải bắt nguồn từ thời đức Phật” Nay con người phần nhiều lấy chuyện có hay không có dấu sẹo thọ giới để phân biệt Tăng-tục, như vậy thì dấu sẹo thọ giới có mỗi liên quan đến Tăng chúng khá nặng.
Hơn nữa con số của dấu sẹo thọ giới ắt phải là mười hai, rốt cuộc biểu thị gì về mặt pháp? Đối với điều này, Tăng nhân đời nay trọn chẳng ai biết do đâu mà có? Nếu chẳng rõ xuất xứ và tác dụng của nó, làm sao đáp lời với vấn nạn của người bên ngoài? Hơn nữa những tăng sĩ hèn kém vô tri làm sao biết giới quan trọng cho được?
Chú thích:
Ở Trung Hoa thưở xưa thường có truyền thuyết rằng: Tại Tây Vực, trước khi kết hạ an cư trong ba tháng mỗi vị Tăng phải đúc một tượng người bằng sáp có phân lượng bằng chính mình để cất giữ. Sau ba tháng An Cư, Tăng đoàn sẽ cân người thật và tượng sáp để kiểm nghiệm xem vị ấy có giữ giới thanh tịnh không? Nếu người thật nhẹ hơn tượng sáp tức là đã không nghiêm trì giới luật trong ba tháng An Cư. Bách Trượng Thanh Quy chương tám đã biện định về vấn đề này như sau:
“Tăng không tính theo tuổi mà tính theo Lạp vì khác thế tục. Trong ba thời, Tây Vực dùng một thời để an cư, cấm ngặt ra vào. Phàm Thiền, tụng, đi, ngồi đều phải theo đúng thứ tự như giới đã thọ. Phép an cư được chế ra để thúc gịuc Tăng chúng siêng năng nơi đạo. Dùng ba tuần (trước khi an cư) để chuẩn bị những vật cần dùng để dưỡng cho thân tâm trong ngoài đều được yên ổn, định kỳ hạn tấn tu để khỏi bỏ lỡ thời gian, mến tiếc, bảo vệ sinh mạng của loài vật cũng như thực hành lòng từ nhẫn.. Do tuỳ theo thời tiết từng nơi mà an cư cho thích đáng nên gọi là “toạ hạ” hay “toạ lạp”, ý nghĩa của Giới Lạp bắt nguồn ở chỗ này. Còn như nói kiểm nghiệm người sáp (lạp nhân) có bị chảy hay không để xét định người an cư kiết hạ giới hạnh có còn trong sạch hay không, hoặc nói đem người sáp chôn xuống đất để kiểm nghiệm xem người an cư kiết hạ có giữ giới trọn vẹn hay không, đều là những lời quê kệch vu báng phàm tục, chẳng phải ngoa truyền ư?”
Như vậy có lẽ do người Trung Hoa thời cổ đã lầm lẫn chữ Lạp(tuổi) với chữ Lạp ở trên (sáp) nên mới có những lời ngoa truyền như vậy.
Dấu sẹo thọ giới là dấu sẹo tròn do đốt những viên hương trên đỉnh đầu khi thọ Cụ Túc Giới, thông thường, người ta lấy hương nghiền nát trộn với bột giấy bản cho dễ cháy, hoà thành viên rồi tuỳ theo sự phát nguyện của người thọ giới mà đốt từ một đến mười hai viên, thông thường là ba viên, cũng có những vị không đốt.
Đáp:
Lúc đức Phật mới thành đạo liền nói kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới. Còn đối với giới tỳ kheo thì do có tỳ kheo phạm lỗi mà chế giới, há nên nói chuyện cầu giới chẳng phảo bắt nguồn từ thời đức Phật! Đối với pháp “toạ hạ” (an cư kiết hạ), đặc biệt là dùng tượng người bằng sáp để kiểm xem giới lực có toàn vẹn hay không thì chuyện này chẳng qua biểu thị ai nấy hãy nên nghiêm trì tịnh giới mà thôi! Giống như người trong cõi đời thực hành Công Quá Cách, khởi tâm động niệm, hành xử đều phải ghi trọn hết là thiện hay ác, nhằm mục đích “ngăn ngừa điều sai, dứt điều ác, tận lực làm điều lành”, chứ không coi chuyện ghi chép là điều tất yếu của việc “làm lành, dứt ác”. Nếu mọi lúc thường luôn xem xét, phản tỉnh, không ghi cũng chẳng sao! Nếu chẳng phản tỉnh suy xét, dẫu ghi cũng vô ích!
Tự mình trì giới trọn vẹn hay thiếu sót, lẽ đâu chính mình chẳng biết? Dẫu chẳng dùng tượng sáp để kiểm nghiệm mà có thể tự dối mình được sao? Đã chẳng thể tự dối mình được thì Phật, Bồ Tát, thánh nhân có thần thông và thiên địa quỷ thần đều chẳng thể bịp được, chỉ có thể tạm thời bưng mắt con người mà thôi! Nhưng dùng bịp được con người, giới đức có giữ nguyên vẹn hay không, con người cũng có thể biết được. Do vậy, cũng chẳng thể nào bịp con người được! Chỉ cốt sao dốc sức giữ giới, không nhất định phải giữ phương pháp kiểm nghiệm bằng tượng sáp.
Ông đã thọ giới rồi, (trong giới đàn, vị A Xà Lê) khai thị về khổ hạnh, dạy đốt thân hay thiêu cánh tay, đốt ngón tay để cúng Phật, nhưng vì phàm phu chẳng chịu đựng được những khổ hạnh ấy nên chỉ đốt hương trên đỉnh đầu hay trên cánh tay mà thôi! Cuối quyển sáu kinh Lăng Nghiêm, phần nói về bốn thứ giáo huấn rõ ràng thanh tịnh đã nói đến chuyện này. Kinh Phạm Võng lẫn kinh Pháp Hoa đều có nói. Ông chẳng xét đến đạo lý đốt hương cúng Phật mà lại xét đến đạo lý của dấu sẹo thọ giới, tức là đã trở thành bỏ gốc lấy ngọn! Nhưng chúng sanh đời Mạt mọi chuyện đều làm giả, do có những dấu sẹo thọ giới ấy mà phân biệt là có thọ giới hay không!
Hiện thời, theo cách xuống tóc thông thường, lấy dấu sẹo thọ giới để làm dấu hiệu phân biệt càng thêm quan trọng hơn. Con số ấy (những dấu sẹo thọ giới ấy) tuỳ theo mỗi người phát tâm (đốt bao nhiêu viên hương), cần gì phải hỏi con số ấy biểu thị điều gì! Chỉ cần biết những dấu sẹo ấy biểu thị người thọ giới đốt hương cúng Phật, đấy là thực hiện chút phần khổ hạnh đốt thân, thiêu cánh tay, đốt ngón tay mà thôi! Truyền giới ở Bắc Kinh thì đốt hương trên cánh tay chứ không đốt hương trên đỉnh đầu, có vị nào xuống miền Nam tham học thì đốt thêm hương trên đảnh đầu. Hiện thời chỉ đốt hương trên cánh tay thì hoàn toàn không thể được vì người ngoài đời đầu đều láng o! Chưa nghe nói Bắc Kinh đã thay đổi quy cách đốt hương hay chưa!