Hỏi:
Xưa kia có vị cư sĩ X… hỏi: “Quy y Phật chẳng đoạ địa ngục, tức là sau khi xả thân chẳng đoạ hay vĩnh viễn chẳng đoạ?” Lại hỏi gần đây những kẻ quy y ở các nơi như Thượng Hải chẳng hạn, quá nửa là hạng gái lầu xanh làm những nghề không đứng đắn. Lúc ấy, tuy hơi có ý niệm hổ thẹn, từ bỏ, nhưng sau đó vẫn giữ nghề cũ tạo tội. Nếu quy y rồi vĩnh viễn chẳng đoạ địa ngục thì còn ai đành lòng keo tiếc hai đồng bốn cắc hương kính? Nếu hai đồng bốn cắc hương kính có thể đảm bảo dù tạo tội vẫn vĩnh viễn không đoạ địa ngục thì trong núi Thiết Vi đâu còn có địa ngục để nói nữa ư? Trong thiên hạ lẽ nào có sự tiện nghi như thế ư?
Thêm nữa, nói quy y thì quy y vị Phật nào? Quá Khứ Phật? Hiện tại Phật? Hay là vị lai Phật? Nếu nói quá khứ thì đã qua rồi, hiện tại không có Phật, còn vị lai thì chưa ra đời, có vị Phật nào để quy y nữa đây?
Nếu nói quy y với tượng Phật A Di Đà hoặc Phật Thích Ca thì chỉ cần đến trước các bức tượng lễ kính là đủ rồi, cần gì phải nhờ vào tiền hương kính nữa? Đệ tử cứng họng, chẳng thế đáp gãy gọn được; rốt cuộc là như thế nào, mong mỏi sâu đậm thầy chỉ dạy cho.
Đáp:
Chuyện ấy hãy nên nói từ hạnh chân thật, chứ đừng luận trên việc quy y. Ba câu quy y Phật, Pháp, Tăng tuy chia ra nói là “chẳng đoạ địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh”, nhưng chớ nên chấp nhặt là quy y Phật sẽ chỉ có thể không đoạ địa ngục, vẫn chẳng tránh khỏi đoạ vào ngạ quỷ, súc sanh. Nếu nói chấp nhặt như thế thì chính là kẻ si nói mớ vậy!
Lòng đại từ đại bi của đức Phật ông còn chưa biết, cứ nói bừa đạo lý. Hạng gái lầu xanh làm chuyện hạ tiện, nếu thật sự tin tưởng, ngưỡng mộ đức Phật, thường sanh lòng hổ thẹn, thường niệm Phật hiệu cầu vãng sanh Tây Phương thì vẫn được Phật tiếp dẫn lên thẳng chín phẩm, ở cùng một chỗ với các vị thiện nhân.
Đức Phật dùng đủ mọi phương tiện tiếp dẫn, khuyên dụ chúng sanh gieo nhân xuất thế; vì thế, đối với Ngũ Giới, mặc cho những kẻ ấy chỉ thọ một, hai, ba, bốn giới cho đến thọ trọn năm giới. Vì sao cho phép người ta chẳng thọ đủ năm giới? Do những người ấy lâm vào tình thế chẳng thể giữ được! Như người đồ tể chẳng thể giữ giới sát, nhưng vẫn có thể giữ bốn giới kia. Kỹ nữ chẳng thể giữ giới tà dâm, tửu bảo chẳng thể giữ giới không uống rượu.. Đức Phật lòng Tù sâu xa, đức sâu dày như trời che khắp, như đất chở đều, chẳng thể bỏ một kẻ nào sẵn có Phật tánh.
Những kẻ tự cao tự đại trong cõi đời thấy một khuyết điểm của người khác, dẫu người ấy có ngàn điều tốt đẹp cũng chẳng coi là đúng. Đức Phật không giống như thế. Trong bộ Long Thư Tịnh Độ Văn có một quyển mang tựa đề Phổ Khuyến Môn đã nói tường tận nguyên do. Trong quyển ấy đã kể tên hơn ba mươi loại, trong số ấy có kẻ đồ tể, ngư dân, người chế rượu, ngay cả hạng gái lầu xanh trong chốn phong trần, sách ấy đều nói nếu họ có thể đổi nghề thì tốt nhất. Nếu chẳng thể thay đổi nghề nghiệp được, nhưng thường sanh lòng hổ thẹn, niệm A Di Đà Phật cầu sanh Tây Phương, nếu có thể tin chân thành, nguyện thiết tha thì cũng có thể đăng cao chín phẩm, nào phải chỉ chẳng đoạ địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh ư? Nếu chẳng sanh lòng hổ thẹn mà cũng chẳng tu trì, lấy chuyện quy y làm điều vênh vang, chỉ coi trọng chuyện bái sư thì có đoạ địa ngục hay không, Quang chẳng dám quyết đoán!
Còn nếu như nói quy y Tam Bảo thì Phật ấy là Phật nào, khi ông thọ giới đã từng có những thứ khai thị ấy. Có Tam Bảo thưở Phật còn tại thế (đây chính là Trụ Trì Tam Bảo), có Tam Bảo sau khi Phật đã nhập diệt. Nhằm thời đức Phật còn tại thế thì Phật chính là Phật Thích Ca, pháp là những pháp như Tứ Đế… Tăng chính là những vị xuất gia theo Phật. Sau khi đức Phật nhập diệt, Phật chính là hình tượng của Phật Thích Ca (tức là những tượng làm bằng vàng, bạc, đồng, sắt, đất, gỗ, vẽ vời, thêu thùa… Những thứ ấy chính là hình tượng của Phật, phải nên coi hệt như đức Phật thật, nhưng những vị Phật A Di Đà, Dược Sư.. cũng thuộc vào trong số ấy, do đức Thích Ca là giáo chủ trong hiện tại nên chuyên nói đến vậy), Pháp chính là những kinh điển quyển vàng trục đỏ, Tăng chính là những người cạo tóc mặc áo thâm.
Lại có Nhất Thể Tam Bảo, đây chính là những nghĩa Giác, Chánh, Tịnh trong tự tâm, được gọi là Phật-Pháp-Tăng Tam Bảo. Nếu nói cặn kẽ quá tốn bút mực! Lúc đức Phật mới thành Phật còn chưa có Tăng, chỉ dạy trưởng giả Đề Vị quy y vị lai Tăng, do Tăng là người gánh vác trách nhiệm kế tục pháp đạo vậy. Nếu tự cao tự đại, chỉ biết Phật và Pháp đáng kính phục, ngưỡng mộ, coi rẻ tăng nhân chẳng chịu quy y thì kẻ ấy dẫu được lợi ích trong Phật Pháp, nhưng do cái tâm ngạo mạn sợ rằng khó có thể đạt được lợi ích chân thật.