Hỏi:

Kinh Pháp Hoa chép: “Giơ tay, cúi đầu, đều sẽ thành Phật”. Thêm nữa, kinh Pháp Hoa đã từng được nói trong vô lượng kiếp trước. Do vậy, thấy rằng trong vô lượng kiếp trước đã từng có đấng gọi là Phật độ chúng sanh trong cõi đời. Chúng sanh đã gieo thiện căn trong vô lượng kiếp trước thì những chúng sanh đã từng gieo thiện căn ấy đến nay lẽ ra đều đã thành Phật hoặc thành Bồ Tát rồi. Như vậy thì lẽ ra Phật, Bồ Tát nhiều, chúng sanh ít; cớ sao Phật, Bồ Tát thường ít thấy mà chúng sanh đông ùn ùn vậy? Chắc là chúng sanh trong vô lượng kiếp trước đều chưa có thiện căn giơ tay, cúi đầu? Hay là gieo nhân chưa chín muồi ư? Nếu nói gieo nhân nhưng chưa chín muồi thì rốt cuộc đến lúc nào mới chín muồi? Chúng sanh hiện tại gieo thiện căn giơ tay, cúi đầu, lại phải trải qua bao nhiêu vô lượng kiếp thì mới chín muồi được thiện căn ấy? Hay là vĩnh viễn chẳng thể chín muồi?

Đáp:

Hai câu nói: “Phật, Bồ Tát nhiều, chúng sanh ít” và “Phật, Bồ Tát ít, chúng sanh nhiều” phải nhìn từ cõi nước chư Phật, Bồ Tát đang ở. Ví như gã dân hèn ở làng quê nhỏ bé chỉ biết những kẻ thường dân trong làng là nhiều, trọn chẳng biết những bậc phù tá nhà vua trong nước nhà nhiều vô số, nhưng pháp thế gian chẳng đủ để làm thí dụ cho thích đáng. Sao ông chẳng thấy Hoa Tạng hải chúng đông nhiều, ngay cả số vi trần trong một cõi Phật cũng chẳng thể sánh ví với số lượng thánh chúng trong Hoa Tạng ư?

Phật có thể độ chúng sanh nhưng chẳng thể độ kẻ không có duyên với Phật. Vì thế, phải bao lượt thị hiện giáng sanh, thị hiện nhập diệt để cho chúng sanh bao phen gieo thiện căn, bao phen chín muồi thiện căn, bao phen được độ thoát. Nhưng do chúng sanh giới vô tận nên thệ nguyện của Phật, Bồ Tát vô tận! Ông dùng tri kiến đoạn diệt để bàn luận cho nên mới có những câu hỏi ấy. Câu hỏi ấy tợ hồ có lý, chẳng biết đấy vẫn là tình kiến chúng sanh, chẳng mảy may biết được cảnh giới của Phật, Bồ Tát!

Nếu ông có thể nhất tâm niệm Phật vãng sanh Tây Phương, ắt sẽ than thở: “Bồ Tát đông đảo, chúng sanh ít ỏi!” Vì vậy, tôi nói: “ Hãy nên nhìn từ chỗ Phật, Bồ Tát đang ở, đừng nhìn từ nơi chúng sanh đang ở”.