Hỏi:

Đệ tử bất luận ở chỗ nào, sáng sớm súc miệng, rửa ráy xong liền đắp y lễ bái Quán Âm Đại Sĩ đến khi tinh thần mỏi mệt liền ngồi xếp bằng trên mặt đất trì danh. Có lúc quá mệt nhọc, hễ ngồi liền hôn trầm hoặc suy tưởng loạn xạ. Cũng có lúc thân tâm thoải mái, ngồi độ nửa giờ mà cảm thấy ngắn như chỉ ngồi chừng mấy phút. Cũng có lúc tay lần xâu chuỗi mà bất ngờ lần xong xâu chuỗi từ đầu đến cuối hơn ba trăm hạt trong khoảnh khắc, trong tâm cũng dường như xưng tụng rõ ràng, nhưng chẳng thật minh bạch lắm. Cũng có lúc trì chú, chợt quên bẵng bài chú đang trì, bất giác hồ đồ niệm tụng Phật hiệu. Những chuyện ấy rốt cuộc là cảnh giới như thế nào, rất mong thầy chỉ dạy.

Đáp:

Ngồi lâu chẳng cảm thấy là lâu, niệm lâu chẳng biết là lâu, đấy chính là do tâm tịnh thần lặng mà ra. Nhưng chớ nên tưởng đó là chứng đắc, từ đấy phải nỗ lực công phu sẽ tự được tiến hơn. Nếu coi đó là chứng đắc thì do vậy cũng không thể chứng đắc được, huống chi là tiến hơn! Trì chú hôn trầm niệm Phật, niệm Phật hôn trầm trì chú, đấy chính là do ý thức thuận theo vọng tâm, chánh niệm bị chuyển biến mà ra. Những người tu sơ cơ phần nhiều gặp tình trạng này. Nếu nắm vững công phu sẽ khỏi đến nỗi điên đảo lầm loạn. Nhưng điên đảo lầm loạn như vậy vẫn là do công phu mà ra. Nếu không có công phu thì ngay cả niệm hồ đồ như vậy cũng chẳng có được, huống là rõ ràng chẳng sai lầm ư?

Ban Châu Tam Muội người đời nay không hành được. Ông nói lời ấy là do ham cao chuộng xa hay là thật vì sinh tử vậy? Nếu thật vì sinh tử hãy nên y theo những pháp phàm phu thường có thể hành được. Nếu là phàm phu sát đất mà lầm lạc tính hành pháp của thánh nhân quá sức mình ắt sẽ đến nỗi bị ma dựa, ngã lòng tu tập. Xin hãy dứt trừ ý niệm ấy ngõ hầu được lợi ích!

Bộ Văn Sao của Quang về ý thì có thể chấp nhận được, nhưng văn từ chẳng đáng xem, được hai vị Khai Sĩ Viên Sơn và Cương Dã muốn lưu thông, thật hổ thẹn sâu xa! Nhưng Bồ Tát vì lợi chúng sanh, ngay cả đầu mắt còn bằng lòng xả được, huống là những lời lẽ hủ bại, nhơ bẩn của Quang được hai vị Đại Sĩ đề xướng nhằm khiến cho hết thảy những kẻ mới học tin tưởng, ngưỡng mộ Tịnh Tông thì Quang cũng cậy vào công đức của hai vị Đại Sĩ ấy mà tiêu trừ tội nghiệp, tăng trưởng thiện căn, được vãng sanh Tây Phương, thật là may mắn không chi lớn hơn!

Phàm những sách vở nhằm hoằng dương Phật pháp đều chớ nên ghi bảng quyền. Nếu ghi bản quyền thì công đức hoằng phá chẳng thể cự lại tội lỗi ngăn trở lưu thông đâu!

… Cái chết của Hiển Ấm cũng chỉ là vì cầu được vượt trội, cầu danh, chẳng biết lắng lòng tịnh dưỡng. Nghe nói ông ta đang bệnh mà hằng ngày vẫn cứ thường bàn luận chẳng chịu tịnh dưỡng nên mới bị kết quả ấy.