Chư tổ của Liên Tông phần nhiều đều chuyên lấy Trì Danh làm pháp tu chủ yếu vì Trì Danh dễ dàng, hễ niệm liên tục bèn vãng sanh. Phương pháp nhiếp tâm có nhiều thứ, chứ chẳng phải một, tuỳ theo căn khí của mỗi người mà áp dụng sẽ tự được lợi ích. Nếu xét tới pháp thiết yếu nhất, nói chung chẳng pháp nào hơn được tám chữ “nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối” của đức Đại Thế Chí.
…
Trong lời tựa của các hạ, phần đầu dẫn lời của Diễn Tông có thể nói là lời bàn luận chẳng gạt bỏ được, cuối cùng dẫn câu nói của họ Hồ đủ thấy cái tâm hướng theo lẽ chánh. Sau này nhìn lại bây giờ, cũng giống như bây giờ nhìn lại thửo trước. Giữ được cái tâm “sợ thưở mai sau” thì trọn chẳng đến nỗi nghịch kinh, phản cổ, chuốc lấy tiếng chê cười trong tương lai. Phàm chú giải kinh Phật, phải có con mắt riêng; chớ nên dùng cảnh giới phàm phu để suy lường cảnh giới vi diệu chẳng thể nghĩ bàn của đức Như Lai. Như các ông Kỷ Đại Khuê, Diệp Tích Phụng… do vì lẽ này mà hoằng pháp rốt cuộc biến thành báng pháp, khôn ngăn tiếc nuối vậy! Những điều khác do mục lực chẳng thể kham nổi nên đều chẳng dám đọc.
Thêm nữa, những dánh tướng Đại Thừa và Tiểu Thừa trong kinh giống nhau rất nhiều; giải thích kinh điển Đại Thừa chớ nên dẫn những nghĩa trong kinh Tiểu Thừa để giảng giai. Như trong phần Niệm Thiên ở cuối pháp Lục Niệm thì Tiểu Thừa niệm những vị trời ở Dục Giới, Sắc Giới.. còn Đại Thừa thì niệm Đệ Nhất Nghĩa Thiên, Đại Niết Bàn Thiên. Nếu với kinh Đại Thừa mà dẫn nghĩa Tiểu Thừa để giải thích sẽ trở thành hoại loạn kinh tông, chớ nên không cẩn thận! Chỉ do một nghĩa này, những điều khác có thể suy ra được!
…
Một pháp Niệm Phật hãy nên lấy kinh luận Tịnh Độ làm chuẩn. Chúng sanh đời Mạt nghiệp nặng chướng sâu, tu Quán theo Quán Kinh vẫn khó thể. Pháp môn Niệm Phật tam muội của Đại Tâm tuy mỗi mặt đều có chỗ thấy biết thông suốt, nhưng chẳng thể dùng để dạy khắp mọi người vì hạ căn chẳng thể tu được, còn thượng căn tuy có thể tu nhưng không bắt buộc phải dùng phương pháp này! Trong nhan đề của sách, chứ Phật viết nghệch ngoạc, cổ quái, đủ thấy người ấy trong xử sự hằng ngày chưa thể chí thành khẩn thiết đối với Phật! Phàm những thói quen tật xấu như vậy hãy nên tận lực ngăn ngừa!
Lưu Diễn Tông viết về sáu mươi lăm sức chẳng thể nghĩ bàn của kinh Pháp Hoa, có thể nói đã thâm nhập vào chỗ u viễn sâu xa của Pháp Hoa, nhưng lại đem mỗi một điều so sánh với Tịnh Độ để luận định hơn - kém, quả thật chẳng thấu hiểu pháp môn Quyền Thật của đức Như Lai, chỉ có thể lợi lạc những căn tánh như các vị Nam Nhạc, Thiên Thai trở lên, còn những ai thấp hơn đều bị thuyết ấy cắt đứt thiện căn vãng sanh Tây Phương! Sách ấy tuyệt đối chớ nên lưu thông. Nếu lưu thông tuy có thể làm cho con người tôn kính, tin tưởng Pháp Hoá, nhưng lại khiến cho hết thảy những ai không hiểu rõ giáo lý Quyền - Thật sẽ bởi đó mà miệt thị Tịnh Độ chẳng tu!
Tịch Quang Tịnh Độ (đương xứ tức thị) chính là ở ngay nơi đây, chỉ có một mình đức Phật là có thể chứng trọn vẹn; bậc Đẳng Giác Bồ Tát vẫn là Phần Chứng, huống gì những người khác? Nay đem sự thấy biết, pháp chứng ngộ của bậc Đăng Địa, Đăng Trụ giao cho phàm phu đảm nhiệm, có nên chăng?
Trong hội Hoa Nghiêm, bậc đã chứng bằng với chư Phật rồi mà vẫn được Phổ Hiền Bồ Tát dạy cầu vãng sanh. Nay đối với kẻ trọn đủ Hoặc nghiệp lại dạy họ bỏ Di Đà Tịnh Độ để tu Sa Bà Tịnh Độ của đức Bổn Sư! Tấm lòng quả thật là rộng lớn, to tát, nhưng cái hại ấy chẳng thể nói cho hết được! Phàm cõi An Dưỡng nơi Sa Bà vốn là cõi Thật Báo Tịch Quang (Thật Báo và Tịch Quang vốn là một cõi. Ước theo quả báo cảm được thì gọi là Thật Báo. Ước theo lý được chứng thì gọi là Tịch Quang. Tịch Quang không có tướng, Thật Báo đầy đủ những tướng trang nghiêm màu nhiệm chẳng thể nghĩ bàn nhiều như số lượng vi trần trong Phật sát hải. Tuy vốn đủ trang nghiêm của các cõi nhiều như số vi trần, nhưng vốn là một pháp chẳng lập. Tuy một pháp chẳng lập, nhưng lại đầy đủ trang nghiêm, như gương sáng trọn chẳng có một vật, nhưng hễ Hồ đến Hồ hiện, giống như thể của Hư Không tuy chẳng có các tướng, nhưng chẳng trở ngại mặt trời chiếu rọi, mây đùn.) Cõi Thật Báo Tịch Quang Tịnh Độ ấy chỉ có những vị đã đạt đến địa vị Sơ Trụ trong Viên Giáo mới có thể thấy được.
Trong cõi Phàm Thánh Đồng Cư Độ nơi Tây Phương không có các nỗi khổ, chỉ hưởng những sự vui; còn Phàm Thánh Đồng Cư độ trong cõi này, ba thứ Hoặc - Nghiệp - Khổ nhóm lại như cái chĩa ba xấu ác, luân hồi sáu nẻo, trọn chẳng có thưở nào xong! Do vậy, đem đối chiếu Thật Báo Tịch Quang cõi này và Phàm Thánh Đồng Cư độ để bàn luận chính là trái nghịch ý chỉ của kinh, trao lầm pháp dược, than thở khôn ngằn! Sao chẳng đem đối chiếu Phàm Thánh Đồng Cư độ cõi đời này và Phàm Thánh Đồng Cư độ của cõi kia để luận định thì mới là lời nói khế lý, khế cơ, được tam thế chư Phật đều ấn khả vậy? Ấy là vì hiểu biết chưa tinh tường mà đã muốn chê trách đường lối, nhằm tỏ vẻ đang trong thời cải cách cũng có bậc nương theo đại nguyện luân, sửa đổi Pháp môn thích hợp khắp ba căn của Như Lai, là chỗ quy tông kết huyệt cuối cùng của kinh Hoa Nghiêm sao cho nó được tốt lành hơn đấy chăng?
Ấn Quang không đạo, không đức, tham phỏng ít ỏi, học vấn nhỏ nhoi, chẳng thể vì pháp môn ra sức một câu, một chữ nào, nhưng muốn cho hết thảy hữu tình đều cùng sanh về Tây Phương, chẳng thể không mạo muội phạm đến bậc đại gia, dâng lên sự hiểu biết giống như hòn đá nơi núi khác vậy. Nếu coi trọng pháp, ắt sẽ tha thứ. Nếu không, dẫu bảo Quang là tà kiến báng pháp cũng hoan hỷ nhận lãnh, không dám oán trách gì!