Lễ sám không có quy củ cứng ngắc, chỉ dốc lòng chí thành khẩn thiết là được rồi! Thờ Phật trong phòng ngủ trừ trường hợp nghèo nàn không có phòng nào khác thì được. Nếu có phòng khác, trọn chẳng nên thờ trong phòng ngủ. Công khoá tuỳ theo ý của mỗi người, cũng không có chương trình nhất định. Quang thì khoá sáng ắt phải cứ chiếu theo Khoá Tụng Sáng Tối mà niệm thẳng tuột. Phàm những chỗ phải lên giọng xướng tán cũng niệm thẳng tuột, chỉ đọc hơi chậm lại một chút mà thôi. Quang trọn chưa học cách xướng niệm, nhưng ở trong tùng lâm hãy nên niệm nhỏ tiếng đừng để bên ngoài nghe tiếng đến nỗi làm kinh động người khác.

Lúc đầu thì Quang mỗi ngày lễ mấy trăm lạy, mấy năm gần đây nhiều việc quá, chỉ hai thời công khoá. Mùa đông thì mỗi ngày lễ hơn trăm lạy, mùa Hạ thì chỉ mấy chục lạy, mà cũng chỉ lễ Thích Ca, Di Đà, Tịnh Độ Tam Kinh và các kinh Đại Thừa, Quán Âm, Thế Chí, Thanh Tịnh Hải Chúng, tận hư không trọn pháp giới quá khứ, hiện tại, vị lai hết thảy chư Phật, hết thảy tôn pháp, hết thảy hiền thánh tăng. (Lễ Phật Di Đà nhiều ít không nhất định, dựa theo tinh thần và hoàn cảnh mà tăng hay giảm, đối với mỗi vị khác đều lễ ba lạy.) Mấy lúc gần đây trong ban ngày trọn chẳng thể xem kinh, lễ Phật, tất cả thư từ và những chuyện nhờ cậy giảo chứng, giảo đối đều đã không rảnh rỗi để làm.

Hiện thời, phu nhân đã có thể ăn chay trường suốt năm tháng, sao không ăn luôn một năm? Bởi lẽ, sát nghiệp gây trở ngại lớn nhất cho sự vãng sanh! Nếu chẳng vãng sanh ngay, lại càng phải nên không ăn thịt để khỏi phải đền nợ thân mạng trong vị lai. Niệm Phật ăn chay vãng sanh Tây Phương là chuyện công đức bậc nhất trong thế gian. Nỡ để cho vợ con chẳng quyết định hưởng được lợi ích này hay sao? Đối với công nhân, nếu muồn làm cho họ gieo thiện căn, chẳng ngại gì nói rõ đầu đuôi với họ, dùng chi phí mua đồ ăn mặn để làm tiền thưởng thì do họ làm được nhiều tiền hơn sẽ chẳng trọn đến nỗi thốt lời gièm pha!

Mùa Hạ năm nay các nơi lụt lội, dân đói rất đông, hãy nên răn nhắc người nhà sốt sắng niệm Phật để ngừa tai hoạ ngoài ý muốn. Nếu ai chẳng thể chịu đựng nhọc nhằn, hãy nghĩ đến nỗi khổ của dân đói và nỗi khổ của nhà giàu bị cướp đoạt thì sẽ tự chịu đựng được sự khổ sở vì niệm Phật. Chuyện này vốn đâu có khổ, do một mực không quen nên mới thấy là khổ. Nhưng cái khổ này là sự khổ để thoát khổ, nếu chẳng chịu nỗi khổ này thì nỗi khổ trong tương lai sẽ chẳng thể nói trọn hết được!

(Năm Ất Sửu, 1925)