Cương lãnh, nguyên tắc tu hành của nhà Phật chú trọng ở “tu quán”. Nhà Thiên Thai nói: “Tam Chỉ Tam Quáng”, chúng ta niệm Phật cũng chẳng tách lìa nguyên tắc tu quán. “Quán” là gì? Quan niệm. Tu quán tức là sửa đổi những quan niệm sai lầm lúc trước của chúng ta trở lại, đó là tu quán.

Nói chung, tu học có ba đoạn, trong Tông Môn thường nói. Thứ nhất là “Quán Chiếu”, quán chiếu là gì? Thường thường nhắc nhở những quan niệm giác ngộ, thời thời khắc khắc nhắc nhở đó là quán chiếu. Công phu quán chiếu đắc lực rồi, trong Tịnh Độ Tông chúng ta tức là “công phu thành phiến”, có công phu này nhất định được sanh Tịnh Độ. Tại sao vậy? Niệm niệm có thể chẳng mê, niệm niệm đều khởi quán chiếu, trong Tịnh Độ Tông chúng ta tức là một câu Phật hiệu, khi tâm địa vừa động niệm, lục căn tiếp xúc cảnh giới lục trần, trong tâm khởi lên một tâm niệm. Tâm niệm chẳng ra ngoài thiện - ác, thuận theo ý tứ của mình thì khởi tâm tham, chẳng hợp ý tứ mình thì khởi sân khuể, sẽ động tâm niệm này, khi chẳng nghịch chẳng thuận thì khởi niệm vô ký, như vậy đều chẳng tốt.

Thế nên khi lục căn tiếp xúc cảnh giới lục trần, tánh cảnh giác rất cao, ý niệm vừa khởi liền “A Di Đà Phật”, liền chuyển thành “A Di Đà Phật” lập tức, trong Tông Môn gọi đó là công phu quán chiếu. Cổ đức có nói: “Chẳng sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm”. Tâm niệm vừa khởi lên, không sao hết, phải cảnh giác cho nhanh, lập tức đề khởi Phật hiệu, thay đổi tâm niệm này, đây là công phu quán chiếu. Lúc công phu quán chiếu sâu thì tự nhiên vọng tưởng, tâm niệm sẽ chẳng khởi, công phu thật có thể khống chế, sẽ chẳng khởi nữa, đây tức là “Sự Nhất Tâm Bất Loạn”, trong Tông Môn gọi là “Chiếu Trụ”, là được định, thiền định hiện tiền.

Đến công phu thượng tầng là “Chiếu Kiến”, chúng ta đọc Tâm Kinh “Quán Tự Tại Bồ Tát chiếu kiến ngũ uẩn giai không”, chiếu kiến, kiến là trí huệ khai mở, từ định khai huệ, trong Tịnh Tông chúng ta tức là “Lý Nhất Tâm Bất Loạn”, tức là chiếu kiến. “Chiếu kiến ngũ uẩn giai không”, ngũ uẩn giai không tức là chân tướng sự thật của vũ trụ nhân sanh, nhìn thấy hết thảy pháp trong vũ trụ, chân tướng là “vô sở hữu, bất khả đắc”. Đức Phật nói hai câu này trong kinh Đại Bát Nhã lập đi lập lại mấy trăm lần, thế nên bạn xem sáu trăm quyển kinh Đại Bát Nhã xong, không nhớ những thứ khác, nhưng ấn tượng của sáu chữ này rất sâu đậm! Chỉ cần bạn nhớ sáu chữ này thì bạn đã tìm được tinh tuỷ của sáu trăm quyển kinh Đại Bát Nhã.

Thế Tôn thuyết pháp đích thật có sự khéo léo xảo diệu của ngài, sẽ làm cho bạn ghi nhớ những điểm chính yếu. Tại sao vô sở hữu, bất khả đắc? Kinh Kim Cang nói: “Phàm những gì có tướng đều là hư vọng.” “Tất cả pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng”. Phẩm Thập Định trong kinh Hoa Nghiêm nói càng thấu triệt hơn, chân tướng sự thật là gì?

Sát na tế, đây mới là chân tướng sự thật. Sát na tế tức là chẳng sanh chẳng diệt, nếu bạn thật sự thấu triệt, minh bạch, khế nhập cảnh giới này, thì xin chúc mừng bạn, bạn thiệt là tài giỏi. Vì sao vậy? Bạn chứng được quả vị Vô Sanh Pháp Nhẫn, Vô Sanh Pháp Nhẫn tức là hiểu rõ sát na tế, hết thảy pháp chẳng sanh chẳng diệt, sanh diệt đồng thời. Kinh Lăng Nghiêm nói: “Ngay nới đó hiện ra, cũng từ nơi đó diệt hết”, tức là sát na tế, thế nên mới nói “vô sở hữu”, thế nên mới bất khả đắc, đây là chân tướng sự thật.

Nếu bạn tưởng là có sở hữu, tưởng là có sở đắc thì đó là vọng tưởng. Chúng sanh trong thập pháp giới, đừng nói lục đạo, đều chẳng tách lìa vọng tưởng. Thế nên mới biết cửa ải “vọng tưởng” này rất khó phá, phá được cửa ải vọng tưởng này thì bạn sẽ vượt thoát thập pháp giới, bạn sẽ nhập vào Nhất Chân Pháp Giới. Thế nên công đức nhất định phải tu, phước đức cũng phải tu. Phước đức chú trọng trên sự tướng, công đức chú trọng trên tâm địa.