Bài trước nói về Viên Liễu Phàm được thiền sư Vân Cốc khai thị để có thể thay đổi vận mạng con người.

Trì chú vô niệm

Vân Cốc thiền sư đưa cho ta cuốn sổ thiện ác, bảo ta phải ghi hết những điều thiện ác đã làm trong ngày; thiện thì được điểm, ác thì trừ điểm. Ngoài ra còn dạy ta trì chú Chuẩn Đề và chờ ngày ứng nghiệm.

Thiền sư dạy ta rằng: “Những người chuyên vẽ bùa chú cho rằng: ‘Vẽ bùa không đúng cách sẽ bị quỷ thần chê.’ Bí quyết vẽ bùa là vẽ trong lúc niệm không động mà thôi. Khi tay cầm viết vẽ bùa, trước hết phải buông hết mọi duyên xuống, không nổi lên một niệm trần nào. Rồi từ chỗ niệm chưa động chấm xuống, chấm đó gọi là ‘Hỗn độn khai cơ’. Rồi vẽ một hơi liên tục đến hết. Trong lúc vẽ, lòng không suy nghĩ thì bùa mới linh. Cầu trời đổi mạng cũng vậy, phải cảm ứng trong lúc niệm không động”.

Vô niệm nhìn không hai

Mạnh Tử nói về số mạng rằng: “Yểu thọ không hai, lấy cảnh giác để tu thân, rồi mới an trụ trong bất cứ hoàn cảnh nào.” Về vấn đề yểu và thọ, nếu ai cho là hai việc khác nhau, thì xin quan sát hai việc này trong lúc niệm không động, trong tâm trạng đó, thế nào là yểu? Thế nào là thọ? Suy diễn ra, nhìn giàu nghèo không hai rồi mới sống an vui trong giàu nghèo. Nhìn may rủi xui không hai rồi mới không bận tâm trong quý hèn. Nhìn yểu thọ không hai rồi mới sống chết tự tại. Con người đều cho việc sống chết là quan trọng. Cho nên Mạnh Tử ở đây chỉ đề cập đến vấn đề yểu thọ mà thôi. Hiểu được yểu thọ không hai thì sẽ hiểu hết mọi việc thuận nghịch trên đời đều như vậy cả.

Tu thân là cảnh giác niệm trong lòng

Còn vấn đề lấy cảnh giác để tu thân là về việc tích trữ đức hạnh và cầu trời đổi mạng. Chữ tu có nghĩa là tu sửa hành vi. Khi lời nói hành động hay ý nghĩ có gì không tốt đều phải sửa ngay. Còn chữ “cảnh giác” là công phu theo dõi niệm trong lòng. Khi trong lòng vừa khởi lên một chút ước mong thầm kín không chánh đáng hay một chút ý nghĩa vẩn vơ không cần thiết đều phải phát giác liền và không theo. Khi làm được như vậy thì mới có thể đi thẳng vào cảnh giới tiên thiên, học được như vậy mới thật sự là học.

Phương pháp trì chú

Hiện giờ ngươi còn chưa đạt đến trình độ vô tâm, cho nên phải trì chú Chuẩn Đề. Trì liên tục không ngừng, không cần đếm số, cũng không cần nhớ. Trì đến thuần thục sẽ đến trạng thái trì như không trì, không trì mà trì. Trì đến lúc niệm không khởi sẽ thấy linh nghiệm.

Tu hành suốt ngày đề cao cảnh giác.

Ta trước đây hiệu là Học Hải. Kể từ ngày đó ta đổi hiệu thành Liễu Phàm. Liễu là chấm dứt. Vì đã hiểu rõ làm sao thay đổi số mạng. Không muốn rơi vào khuôn khổ của phàm phu nữa. Từ đó trở đi, ta hoàn toàn khác hẳn ngày xưa. Ngày xưa thong dong luông tuồng, bây giờ suốt ngày đề cao cảnh giác. Ở nơi phòng tối không ai thấy mà ta vẫn thường lo âu, không biết có làm mất lòng thiên địa quỷ thần không? Nếu có ai thù ghét ta, huỷ báng ta, ta có thể cam chịu một cách thản nhiên.

Số mạng bắt đầu thay đổi.

Đến năm sau, ta thi khoa cử ở Bộ Lễ. Khổng tiên sinh tiên đoán ta sẽ đậu hạng ba, nhưng ta chợt đậu hạng nhất. Ông nói mạng ta không có cử nhân. Nhưng đến mùa thu năm ấy, ta lại đậu cử nhân. Lời tiên đoán của Khổng tiên sinh không còn linh nghiệm nữa.

Tự kiểm ưu khuyết điểm

Tuy nhiên, ta làm thiện còn chưa quen, mỗi lần kiểm điểm lại đều thấy nhiều sơ sót. Như làm việc thiện mà không mạnh dạn, cứu giúp người mà không dứt khoát. Hoặc thân làm một cách miễn cưỡng nhưng miệng vẫn còn nói lời xấu ác. Hoặc lúc tỉnh táo còn giữ được thái độ nghiêm chỉnh, nhưng khi say sưa rồi thì buông tuồng. Điểm làm thiện tích trữ khá nhiều, nhưng điểm lầm lỗi cũng không ít. Hai điểm khấu trừ qua lại, cuối cùng thường thấy thời gian trôi đi mà điểm thiện chẳng tăng lên được bao nhiêu. Ta phát nguyện vào năm Kỷ Tỵ (1629) nhưng mãi đến năm Kỷ Mão (1639) trải qua mười năm trời, mới làm xong ba ngàn điều thiện. Lúc đó ta cùng ông Lý Tiệm Ấn mới từ Quan Hải Sơn trở về, chưa kịp hồi hướng. Mãi đến năm sau, năm Canh Thìn (1640) trở về miền nam, liền thỉnh các vị Pháp Sư Tính Không, Tuệ Không làm lễ hồi hướng tại thiền đường Đông Tháp.

Nghiêm chỉnh thi hành sổ thiện ác

Tiếp theo, ta phát nguyện cầu sanh con và cũng hứa làm ba ngàn điều thiện. Năm Tân Tị (1641) sanh con đặt tên là Thiên Khải. Mỗi khi ta làm một điều thiện đều lấy viết ghi vào sổ. Mẹ của con không biết chữ, mỗi khi làm xong một điều thiện chỉ có thể lấy lông ngỗng khoanh một vòng tròng đổ trên lịch. Làm các việc thiện như cho người nghèo ăn, có khi thì phóng sanh. Đôi khi chỉ làm được hơn mười vòng đỏ trong một ngày. Chỉ cần hai năm, đến tháng tám năm Quý Mùi (1643) ba ngàn điều thiện đã làm đầy đủ. Lại thỉnh các vị Pháp Sư Tính Không hồi hướng tại nhà. Ngày 13 tháng 9 năm ấy, ta lại phát nguyện làm mười ngàn điều thiện để cầu xin đậu tiến sĩ. Ba năm sau, năm Bính Tuất (1646) ta thi đậu tiến sĩ, được bổ nhiệm chức huyện trưởng huyện Bảo Đề.

Ta chuẩn bị một cuốn sổ đặt tên là Sổ Trị Tâm. Mỗi sáng đến toà làm việc ta đều dặn người trong nhà đem cuốn sổ đó trao cho lính gác cổng toà để đem lên bàn làm việc của ta. Mọi điều thiện ác ta làm trong ngày, dù lớn hay nhỏ, đều phải ghi vào. Ban đêm, ta noi gương ông Triệu Duyệt Đạo, đặt bàn trên sân, đốt nhang khái báo cho Ngọc Hoàng những việc đã làm trong ngày. Mẹ con thấy điều thiện làm không được bao nhiêu, thường cau mày rầu rỉ mà nói: “Trước kia thiếp ở nhà giúp chàng làm thiện, ba ngàn điều vẫn có thể làm xong. Nay phát nguyện mười ngàn điều, mà sống trong cửa quan lại không nhiều dịp làm thiện, biết đến bao giờ mới làm xong. “

Có một đêm ta nằm chiêm bao gặp một vị thần, ta than rằng: “Mười ngàn điều thiện khó mà làm xong.” Người thần bảo: “Nội trong vụ gỉam thuế đã đầy đủ công đức cho mười ngàn điều rồi.” Ta tỉnh dậy nhớ lại thật sự có chuyện này: Vì thuế ruộng ngày xưa trong huyện Bảo Đề mỗi mẫu phải đóng hai phân ba ly bảy hào. Ta có điều chỉnh lại và giảm xuống thành một phân bốn ly sáu hào. Nhưng vụ đó có đáng mười ngàn điều thiện hay sao? Lòng ta vẫn lo lắng nghi ngờ. May có thiền sư Huyền Dư mới từ Ngũ Đài Sơn đến. Ta kể giấc mơ cho thiền sư nghe và hỏi giấc mơ này có đáng tin hay không? Sư nói: “Nếu có lòng tha thiết làm thiện thì làm một điều có thể tương đương với mười ngàn điều. Huống hồ cả huyện đều được giảm thuế, toàn dân đều được hưởng.” Ta bèn đem tiền lương cúng dường, nhờ thiền sư lúc trở về Ngũ Đài Sơn làm trai tăng một vạn người và xin đem công đức ấy hồi hướng.

Lời dạy con

Khổng Tiên sinh đoán ta năm 53 tuổi sẽ mất, tuy ta chưa hề cầu sống lâu, nhưng đến năm đó vẫn bình an trôi qua. Đến năm nay ta đã 69 tuổi rồi. Kinh thư nói “Thiên mạng không nên tin, vì mạng người không cố định.” Lại nói: “Chỉ có mạng người mới có thể thay đổi.” Những lời trên không sai chút nào. Ta nhờ vậy mà hiểu được rằng: Những ai cho rằng hoạ phúc là do mình tạo thì đó là lời thánh hiền. Còn cho là trời định thì đó chẳng qua là lý luận của giới phàm tục mà thôi.