Bài trước nói về lời khai thị của Thiền sư Vân Cốc đối với Viên Liễu Phàm, rằng mạng sống con người có thể thay đổi được. Sau đó, ông viết lại 4 bài để dạy con của ông là Thiên Khải, sau này cũng đậu tiến sĩ.Đoạn trích này nằm trong sách “Liễu Phàm Tứ Huấn” nói về lời dạy con.


Số mạng con chưa biết sẽ ra sao. Cho dù con đang sống trong thời vinh quang, lỗi lạc, cũng phải nghĩ như đang thất bại, bị bỏ rơi. Cho dù gặp thời thuận lợi, suông sẽ, nên nghĩ như gặp xui xẻo, trắc trở; Cho dù đời sống hiện giờ ăn mặc đầy đủ vẫn phải nghĩ như đang nghèo đói, thiếu thốn. Cho dù được người quý trọng kính yêu cũng phải nghĩ như lúc sợ hãi, lo âu. Cho dù sống trong thời được nhiều tiếng tăm, uy quyền đều phải nghĩ như mình còn thấp hèn. Cho dù có học thức giỏi cũng phải nghĩ như mình còn nông cạn.

Nhìn xa phải nghĩ đến truyền bá đức hạnh của tổ tiên. Nhìn gần phải nghĩ đến che giấu lỗi lầm của cha mẹ. Nhìn trên phải nghĩ đến đền ơn tổ quốc. Nhìn dưới phải nghĩ đến tạo hạnh phúc cho gia đình. Đối ngoại phải nghĩ đến giúp người lúc cần. Đối nội phải nghĩ đến ngăn chặn ý nghĩ tà xấu của mình.

Đo lường tiến bộ

Mỗi ngày đều phải thấy lỗi sửa sai. Nếu một ngày không thấy lỗi tức là ngày ấy đã hài lòng trôi qua. Như vậy phải xem như mất đi một ngày cơ hội để tiến bộ. Trong thế gian này không thiếu gì người thông minh tài giỏi. Nếu những người ấy không chịu trau dồi thêm đức hạnh, không chịu mở mang thêm sự nghiệp, chẳng qua chỉ vì thích an vui hiện tại, không muốn cải sửa mà thôi. Uổng phí cả một đời.

Thuyết lập mạng của thiền sư Vân Cốc là lý lẽ tinh tuý nhất, thâm thuý nhất, chân thật nhất, đúng đắn nhất mà con phải gắng sức nghiền ngẫm cho kỹ rồi hết lòng áp dụng trong đời sống, đừng để thời giờ uổng trôi.


Lời bàn của người chép:

Trước khi đọc bài này, người chép cũng có một thời gian học khá giỏi so với bạn bè cùng trang lứa, nhưng rồi cũng chưa bao giờ dám nghĩ mình quá tài giỏi mà khinh khi người khác. Trong cuộc đời của người chép, có rất nhiều bạn trẻ, người tài học rất giỏi rồi khinh thường người khác, thì sau này đường công danh, người chép thấy đa số đều trục trặc và không được như sở nguyện.

Trước đây người chép có đọc được một câu, hàm ý rằng nếu ta hy vọng quá nhiều thì sẽ càng thất vọng nhiều. Điều này là đúng với tình yêu, mà cũng là đúng với sự nghiệp. Cũng có câu ước mơ không mất tiền mua, tại sao không mơ cao một chút. Rõ ràng hai câu này ý nghĩa giống nhau, nhưng cách xa nhau vời vợi. Hy vọng về bản thân đạt được điều này điều nọ là tốt, nhưng nên trong thầm lặng, tự mình xét mình có đáng được điều mình mong hay không, có cố gắng hết sức chưa, chứ đừng nghĩ hiện tại mình giỏi và tốt lắm, ai cũng phải nể và sợ mình, thì cái đó, sau này sẽ té ngã rất đau, Người chép đã lãnh hội được điều đó trong cuộc đời của mình, nên hiện tại người chép chưa bao giờ tin tưởng điều hôm nay sẽ giống điều ngày mai cả.

Hiện tại dù người chép có sự nghiệp tốt nhưng chưa lúc nào người chép cảm thấy an tâm, tự đắc. Lúc nào người chép cũng nơm nớp lo sợ, không biết mình đã làm tốt chưa, không biết mình nên trau dồi cái gì thêm để mai có mất việc thì vẫn có thể tìm việc khác. Khi đọc bài này của ngài Viên Liễu Phàm, người chép cảm thấy rất hay, rất đắc, rất muốn chia sẻ. Mong ai đó hữu duyên sẽ đọc được.