Vào thời đại Xuân Thu, người ta chỉ cần nhìn cử chỉ lời nói của một người là có thể biết người ấy sẽ thành công hay thất bại. Những lời tiên đoán đó luôn luôn chính xác. Chúng ta có thể cứu xét những chuyện ấy qua các cuốn sách sử như Tả Truyện hay Quốc Ngữ.
Nói chung, mọi dấu hiệu hoạ phước sắp đến đều nảy mầm từ nội tâm rồi biểu hiện ra ngoài hành vi con người. Như người nhân hậu rộng lượng sẽ có thái độ chững chạc bình tĩnh, thường được phước. Người khắc khe hẹp hòi sẽ có thái độ bộp chộp nóng nẩy, thường gặp hoạ. Người thường không thấy xa, tưởng rằng hoạ phước là việc hên xui may rủi không thể tiên đoán trước được.
Theo nguyên tắc, lòng chân thành là lòng hạp với trời. Muốn đoán phước sắp đến hay không chỉ cần biết người ấy có lòng thiện hay không. Muốn đoán hoạ sắp đến hay không chỉ cần biết người ấy có lòng ác hay không. Muốn tìm phước tránh hoạ, điều cần thiết nhất là sửa lỗi bản thân, sau mới nói đến việc làm thiện.
Biết xấu hổ
Người muốn sửa lỗi, việc đầu tiên là phải biết xấu hổ. Nghĩ đến các bậc thánh hiền ngày xưa cũng là con người như chúng ta, nhưng tại sao họ có thể gương mẫu ngàn đời mà chúng ta lại thân bại danh liệt. Vì ta đắm mê trần duyên, làm lén những việc trái với lương tâm, tưởng không ai biết liền ưỡn ngực làm như vô tội. Như vậy sẽ có ngày sống như con thú lúc nào không hay. Trên đời không gì xấu hổ cho bằng điều đó. Mạnh Tử nói: “Biết xấu hổ đối với con người rất quan trọng. “ Người biết xấu hổ sẽ ngang hàng với thánh hiền, còn không biết xấu hổ sẽ chẳng khác gì như con thú. Đó là chỗ then chốt của việc sửa lỗi.
Biết lo sợ
Điều thứ hai là phải biết lo sợ. Trên có trời dưới có đất, chúng ta không thể qua mặt được quỷ thần. Dù chúng ta ở nơi kín đáo mà thiên địa quỷ thần vẫn hằng theo dõi ta. Nếu ta có lỗi nặng ắt sẽ giáng ta trăm điều tai hoạ. Nếu có lỗi nhẹ ắt sẽ giảm liền phước thọ. Chúng ta không lo sợ sao được?
Không những thế, ở những nơi riêng tư không ai thấy đều có quỷ thần canh phòng gắt gao. Dầu ta giấu diếm tội lỗi kín đáo, nguỵ trang khéo léo chăng nữa, nhưng đối với họ, những gì ta nghĩ trong lòng họ đều biết hết, không lừa gạt được ai. Một khi bị người khác biết tẩy thì ta không còn giá trị gì nữa. Vậy không lo sợ sao được?
Không những thế, dù là tội lỗi tày trời, nếu ta còn một hơi thở vẫn còn có thể hối cải kịp thời. Người xưa có người cả đời làm ác, nhưng trước khi lìa đời, ăn năn lỗi lầm, phát một niệm thiện, liền được qua đời trong an lành. Cho nên người ta nói: “Một niệm mãnh liệt, cũng đủ để tẩy sạch được tội ác trăm năm.” Tỷ như một hang cốc tối tăm ngàn năm, vừa thắp lên ngọn đuốc thì ngàn năm tối tăm ấy liền tan mất. Cho nên không cần biết là tội lỗi nhiều hay ít hay lâu mau, điều quan trọng là phải biết hối cải.
Nhưng đời người vô thường, thân thể dễ hoại. Một khi hơi thở thở ra không hít vào nữa thì lúc đó muốn hối cải cũng đã muộn. Trên trần gian này cũng đã thối nát tiếng tăm. Tuy có con hiếu cháu ngoan vẫn không cách nào rửa sạch dùm được. Dưới cõi âm sẽ bị đoạ vào địa ngục ngàn kiếp, dù có thánh hiền, Phật, Bồ Tát có lòng thương xót chăng nữa cũng chẳng thể cứu vớt được gì, vậy không lo sợ sao được?
Có cương quyết
Thứ ba, là có lòng cương quyết. Con người không muốn sửa lỗi chỉ vì trốn tránh không dám đương đầu với sự thật. Chúng ta phải phấn chấn lên, không do dự, không chần chứ. Phạm lỗi lầm nhỏ như bị gai đâm, phải lễ ngay tại chỗ. Phạm lỗi lầm lớn như bị rắn độc cắn ngón tay, phải chặt liền tức khắc. Phải dứt khoát không chút chần chừ do dự. Làm được như vậy mới có ích lợi như quẻ Phong Lôi vậy. (Quẻ Phong Lôi: trong Kinh Dịch, quẻ Phong Lôi là một quẻ mang tính ích lợi. Ví gió thổi và sấm nổ hỗ trợ lẫn nhau mà tạo ích lợi.)
Nếu đầy đủ cả ba yếu tố trên thì gặp lỗi mới có thể sửa liền được. (Biết xấu hổ, biết lo sợ, biết cương quyết)
Như tuyết xuân gặp nắng rọi, lỗi lầm nào mà chẳng tiêu tan? Nhưng lỗi lầm con người có thể sửa trên sự việc, sửa theo lý luận hay sửa trong nội tâm. Hình thức sửa khác nhau và kết quả đem lại cũng khác nhau.