Bài trước nói về việc làm thế nào để biết mình sai và nên tìm cách sửa chữa, đó cũng là cách để tìm phước tránh hoạ. Bài này ngài Liễu Phàm dạy con những cách thức để sửa chữa lỗi lầm của mình và làm thế nào để biết mình đã sửa chữa có hiệu quả.

Sửa theo việc

Như hôm trước sát sanh, nay cấm sát sanh. Như hôm trước nóng giận, nay cấm nóng giận. Như vậy là sửa trên sự việc. Kềm ngọn mà không sửa gốc, điều đó rất khó, vì gốc bệnh vẫn còn. Kềm được tật này, tật khác lại trồi lên. Cho nên sửa ngọn không phải là một phương pháp trừ sạch được bệnh gốc.

Sửa trên lý

Người khéo sửa lỗi, trước khi đặt điều cấm phải biết suy nghĩ lý do tại sao. Như lỗi sát sanh phải hiểu rằng: Trời thích muôn loài vượng sống, không thích tàn sát. Mỗi loài vật đều muốn sống, đều sợ chết. Giết chúng để nuôi thân ta, lương tâm nào chấp nhận? Hơn nữa, đối với những loài vật bị giết, nào bị dao cắt, nào bị chảo chiên, những khổ đau đớn, thấu đến cốt tuỷ. Còn đối với chúng ta, giết chúng để trưng bày cao lương mỹ vị, ăn xong rồi cũng hết. Nếu ta thay thế bằng ăn chay vẫn có thể no bụng. Tại sao lại phải giết chúng để tổn phước của mình?

Hơn nữa, nghĩ đến những loài vật đều có sanh mạng, đều có linh tánh và tri giác. Mà đã có linh tánh và tri giác thì chúng với ta cùng một bản thể. Chúng ta đã cảm thấy xấu hổ vì không đủ đạo đức để chúng kính ta thân ta, mà sao lại còn mỗi ngày giết chúng để chúng mãi thù oán ta? Khi nghĩ đến như thế, sẽ thấy miếng thịt mà đau lòng thương xót, làm sao nuốt nổi?

Như hôm trước nóng giận, nên nghĩ rằng: Ai cũng có sự sơ sót, ta phải thông cảm. Nếu ai xâm chạm đến ta một cách phi lí, vậy lỗi người đó, can chi với ta? Có gì mà giận? Lại nghĩ thêm: Không hào kiệt nào mà tự cao, cho mình là đúng hết. Không người trí thức nào mà cứ oán trời trách người khi gặp những chuyện không vừa ý. Khi sự việc xảy đến không vừa ý, chỉ vì đức hạnh ta tu còn kém, lòng chân thành chưa đủ để cảm ứng trời mà thôi. Nếu mọi việc chúng ta đều biết tự xét lại, thì dù gặp người huỷ báng ta đó đều là cơ hội cho ta rèn luyện. Ta phải cảm thấy vui mừng mới đúng, có gì mà phải tức giận?

Hơn nữa, nếu ta nghe lời phỉ báng mà không giận, thì dù lời huỷ báng ác độc đến đâu, chẳng khác nào đem lửa đốt trời, chẳng cháy được gì, rồi cũng sẽ tắt. Ngược lại, nếu nghe những lời phỉ báng mà nổi giận, dù hết lời biện hộ, chẳng khác nào như còn tằm nhả tơ, tự trói buộc mình mà thôi. Sự nóng giận tai hại vô ích. Mỗi lần gặp lỗi lầm ta đều phải bình tĩnh sáng suốt để thấy lý của nó, khi lý đã rõ thì việc làm lỗi sẽ tự động chấm dứt.

Sửa trong tâm

Thế nào là sửa trong tâm? Lỗi lầm thiên hình vạn dạng đều do tâm tạo. Nếu tâm ta không động mà thiện ác đâu mà có? Những thói hư tật xấu như háo sắc, ham danh, tham của, hay nóng giận, đâu cần sửa từng điều một, chỉ cần một lòng hướng thiện là chánh niệm hiển bày trong lòng, tà niệm tất nhiên không chỗ dung thân. Như mặt trời mọc lên thì quỷ quái phải tìm đường lẩn trốn. Đây là chỗ then chốt của lý này. Tội do tâm tạo, sửa cũng do tâm. Như muốn trừ một cây độc, chỉ cần đốn ngay gốc, đâu cần bẻ từng lá và chặt từng nhánh?

Nói chung, phương pháp hay nhất là sửa tâm vì khi gặp cảnh, tâm luôn thanh tịnh. Ta biết rõ những gì đang xảy ra trong tâm. Nếu thấy tâm động, vọng niệm nổi lên, ta liền phát hiện mà không theo. Không theo thì lỗi đâu mà có? Trong trường hợp áp dụng phương pháp sửa tâm không được, ta có thể dùng phương pháp lý luận để loại tà niệm. Nếu vẫn làm không được, ta còn có phương pháp giới luật để cấm cản. Ta có thể dùng cả ba phương pháp cùng một lúc cũng không sao. Nhưng nếu chỉ cố chấp vào phương pháp thấp mà bỏ hẳn phương pháp cao là không hay rồi đó.

Tâm không động không thiện ác: Như đi ngoài đường gặp người bên cạnh té xỉu. Ngay lúc đó, ý nghĩ chưa khởi, ta phản ứng theo bản tánh, không có thiện ác. Sau lúc đó, nếu tâm động thì người thiện tính theo thiện, người ác tính theo ác.

Kết quả sửa đổi

Khi phát nguyện sửa đổi, chúng ta một mặt cần đến bạn bè nhắc nhỏ, mặt khác phải xin quỷ thần chứng minh gia hộ. Thành tâm sám hối, ngày đêm không ngừng. Sớm thì sau 7 ngày, 14 ngày, trễ thì một tháng, hai tháng hay nhiều nhất ba tháng sẽ có kết quả. Như lòng sẽ cảm thấy nhẹ nhàng khoan khoái, trí tuệ bừng sáng. Vì thế khi gặp phải những chuyện rắc rối khó giải quyết hay những việc nhỏ nhoi buồn phiền ta đều có thể giải quyết nhanh chóng rõ ràng. Khi gặp chuyện oán thù đều có thể hoà giải thành vui. Hoặc nằm mơ thấy nhả ra đồ dơ bẩn, hoặc thấy Phật, Bồ Tát đưa tay tiếp đón, hoặc thấy nhẹ nhàng bay bổng, hoặc thấy lâu đài lộng lẫy, cờ và lọng bằng châu báu… Những cảnh thù thắng đó nói lên nghiệp tội đã được tiêu trừ. Nhưng đừng nên vì vậy mà kiêu ngạo thoả mãn, làm đứt đoạn con đường tiến lên.

Ngày xưa có ông Cự Bá Ngọc. Lúc ông hai mươi tuổi đã cảm thấy không còn lỗi gì để sửa nữa. Nhưng khi ông lên hai mươi mốt tuổi, nhìn lại tuổi hai mươi vẫn còn sót lại lỗi chưa sửa hết. Lên hai mươi hai tuổi vẫn còn thấy lỗi của tuổi hai mươi mốt chưa sửa hết. Vẫn còn thấy mình lờ đờ, chưa hết mình. Cứ thế cố gắng cải sửa thêm nữa và thêm nữa, từ năm này qua năm nọ, mãi đến năm năm mươi tuổi , vẫn còn thấy năm bốn mươi chín tuổi còn sót lỗi.

Ngày xưa người ta sửa lỗi kỹ lưỡng đến như thế đó. Chúng ta đều là giới phàm phu, lỗi lầm đầy mình. Xưa không thấy lỗi nay thấy lỗi là chứng tỏ ta đã có tiến bộ, có thêm trí tuệ. Nếu nhìn lại quá khứ mà không thấy lỗi nào, thật sự người đó quá hời hợt không thấy gì cả. Ngược lại, nếu con người có nhiều lỗi lầm sâu nặng, sẽ có những triệu chứng như tâm thần hay bị hỗn loạn, bế tắt, hay lãng trí trầm trọng. Hay tự nhiên cảm thấy bực bội không lý do. Hoặc gặp người phẩm hạnh cao quý thì cảm thấy hổ thẹn, ủ ê. Hoặc nghe người bàn luận điều đúng lẽ phải mà cảm thấy không vui. Hoặc giúp người lại bị người hiểu lầm oán trách. Hoặc ngủ không yên, nhiều ác mộng. Nếu trầm trọng sẽ phát ngôn bừa bãi, điên cuồng. Đó là tướng của người làm nhiều tội ác. Nếu ai cảm thấy mình đúng trong trường hợp này, nên lập tức quyết chí phấn đấu cải sửa, dứt khoát bỏ hết những tánh ác tật xấu, làm lại đời mới. Đừng nên trễ nãi.