Những câu chuyện làm thiện dư phước cho con cháu

Kinh Dịch dạy: “Gia đình làm thiện ắt dư phước cho con cháu”. Xưa có gia đình họ Nhan cho con gái lấy ông Túc Lương Hột chỉ vì tổ tiên của ông Túc đã làm nhiều phước thiện và tin chắc con cháu sau này sẽ thịnh vượng. Quả nhiên sau này sanh ra thánh nhân Khổng Tử.

Khổng Tử cũng nói: “Đại hiếu như vua Thuấn không những ông bà tổ tiên được hưởng mỗi khi cúng giỗ mà cũng đảm bảo con cháu đời đời thịnh vượng.” Sau này con cháu của vua Thuấn cai trị nước Trần.

Trong lịch sử Trung Hoa ai cũng công nhận vua Thuấn đại hiếu. Mẹ Ngài mất lúc Ngài còn nhỏ. Cha Ngài lấy vợ khác, sau sanh thêm người con. Trong gia đình, Ngài bị cha, mẹ và em ăn hiếp, đánh đập, đến nỗi nhiều lần ép hại đến chỗ gần chết. Ngài không bao giờ oán trách sự độc hại của người khác mà chỉ kiểm lại khuyết điểm của mình, không ngừng sửa lỗi, không ngừng thương giúp mọi người. Cuối cùng cảm động cả gia đình. Người lãnh đạo lúc đó là vua Nghiêu thấy vậy, sau truyền ngôi cho Thuấn vì Thuấn cảm động được cả gia đình sẽ là gương sáng cho thiên hạ.

Đó là những câu chuyện thật, ai ai đều bàn đến. Nay dẫn chứng thêm những câu chuyện lịch sử.

Cứu người chết đuối

Thiếu Sư Dương Vinh, người Kiến Ninh. Các tổ tiên đều sống với nghề chèo đò đưa khách sang sông. Có lần mưa lâu ngập lụt, nước chảy xiết cuốn trôi nhà cửa, dân làng và súc vật. Các ghe khác lo vớt của cải trôi trên mặt nước, còn ông cố và ông nội của Thiếu Sư chỉ lo cứu người, không lấy của trôi. Dân làng cho họ là ngu. Sau đến đời cha Thiếu Sư, đời sống dần dần khá lên. Có vị thần hoá thành một ông đạo sĩ đến nói: “Ông nội ông có nhiều âm đức, cho nên con cháu sẽ vượng thịnh. Ông có thể chôn cất họ ở nơi này…” Cha ông Thiếu Sư nghe lời chôn cất ông nội và ông cố. Đó là mồ Thỏ Trắng nổi tiếng hiện nay. Sau Thiếu Sư ra đời, hai mươi tuổi đã đậu tiến sĩ và làm quan đến Tam Công. Sau đó hoàng đế truy phong ông cố, ông nội và ông cha của Thiếu Sư với quan tước như Thiếu Sư. Con cháu của Thiếu Sư rất thịnh vượng. Mãi đến bây giờ vẫn còn rất nhiều người tài giỏi.

Xin toà bớt nóng

Ông Dương Tự Trừng, người tỉnh Chiết Giang huyện Ngân. Mới nhậm chức thư ký trong huyện không bao lâu. Tuy chức không cao nhưng đầy lòng thương người và độ lượng, tôn trọng luật pháp và xử lý công bằng. Huyện trưởng là người nghiêm khắc, có lần phạt hình tù nhân đến đổ máu mà cơn nóng vẫn chưa hạ. Ông Dương thấy vậy quỳ xuống xin toà nương tay. Ông Huyện trưởng rằng: “Tù phạm này quá đáng như vậy, ta không nóng sao được?” Ông Dương vừa quỳ lạy vừa thưa rằng: “Đức Khổng Tử dạy: ‘Trên làm không đúng khiến dân thờ ơ sự dạy dỗ đã lâu. Tội nghiệp họ không thấy lẽ phải. Một khi vụ án tìm ra sự thật, ta không nên mừng mà phải đau lòng thương xót mới đúng’” Mừng đã không nên, huống hồ nóng giận.

Nhịn ăn cứu tù

Ông Dương tuy rất nghèo nhưng trong sạch. Người khác tặng quà không bao giờ nhận. Mỗi khi tù phạm thiếu ăn, ông Dương luôn tìm mọi cách để giúp đỡ. Có hôm có vài tù phạm mới đến, đói mà không có ăn. Nhà ông Dương vừa nhằm lúc hết gạo. Nếu cho tù phạm ăn thì người nhà sẽ nhịn đói. Nếu dành cho người nhà thì thấy tội nghiệp tù phạm. Cuối cùng ông thương lượng với vợ. Vợ rằng: “Tù phạm từ đâu đến?” Ông Dương đáp rằng: “Mới từ Hàng Châu đến. Vì dọc đường nhịn đói, cho nên mặt ai cũng xanh lè.” Vì tội nghiệp người tù quá, cuối cùng gia đình ông Dương quyết định nhịn đói, lấy hết gạo còn lại nấu cháo cho các người tù ăn. Sau này ông Dương sanh được hai con trai. Đứa lớn tên là Thủ Trần, đứa nhỏ tên là Thủ Chỉ. Cả hai đều làm quan Lại Bộ Thị Lang, một người làm ở Bắc Kinh, một người làm ở Nam Kinh. Còn đứa cháu lớn của ông Dương làm quan Hình Bộ Thị Lang. Đứa cháu nhỏ làm quan Liêm Hiến ở tỉnh Tứ Xuyên. Hai con hai cháu đều là đại thần nổi tiếng trong nước. Và hai nhân vật nổi tiếng ngày nay là ông Sở Đình và ông Đức Chánh đếu là con cháu đời sau của ông Dương.

Tránh giết dân lành

Ngày xưa, vào thời vua Chánh Thống đời Minh, có giặc Đặng Mậu Thất cầm đầu nổi loạn ở tỉnh Phước Kiến. Giới trí thức cũng như dân làng tham gia rất đông. Triều đình sử lụng lại quan Đô Hiến Trương Giai ở huyện Ngân xuống miền nam dẹp loạn. Ông Trương đưa ra kế hoạch và cuối cùng bắt được giặc Đặng. Nhưng bọn giặc còn lại vẫn còn hoạt động rải rác phía đông. Ông Trương phái Đô Sự Tạ trong Bố Chánh Tư tỉnh Phước Kiến đi bắt lùng bọn giặc, ra lệnh bắt được là giết tại chỗ. Ông Tạ không muốn giết oan người dân vô tội, cố gắng sưu tầm danh sách bọn giặc. Nếu gia đình nào không có trong danh sách sẽ phát ngầm một lá cờ trắng nhỏ, dặn đến ngày lùng bắt phải treo lên trước cửa nhà. Đồng thời ra lệnh binh lính tuyệt đối không được giết hại những nhà có treo cờ trắng. Nhờ vậy mà hàng vạn người khỏi bị giết oan. Sau này con của ông Tạ, tên là Thiên, thi đậu trạng nguyên, làm Thủ Tướng. Cháu của ông Tạ, tên là Pi, cũng đậu được thám hoa.

Bố thí chân thành

Trong huyện Bổ Điền có ông Lâm. Mẹ ông thích làm thiện, thường tặng bánh bao cho người nghèo đói. Ai xin là cho, không bao giờ tỏ vẻ phiền chán. Có ông tiên hoá thành một đạo nhân mỗi sáng đều xin sáu bảy bánh bao. Mẹ ông ngày nào cũng cho, liên tục ba năm không ngừng. Ông tiên cảm động trước lòng chân thành làm thiện của bà mẹ già và nói: “Bà nuôi dưỡng tôi ba năm, không biết làm sao mà trả ơn. Đằng sau nhà bà có một miếng đất, sau khi bà mất nên chôn tại đó, sau này con cháu bà sẽ làm quan tước nhiều như một gáo mè.”

Sau khi bà qua đời, con bà chôn theo lời dặn. Đời sau liền có chín người thi đậu tiến sĩ. Con cháu nhiều đời kế tiếp đều là quyền cao chức trọng. Vùng tỉnh Phước Kiến đồn rằng: “Thi cử nào không thí sinh họ Lâm sẽ không ai đậu.”

Cứu người rét cứng

Thân phụ của Thái sử Phùng Trác Am, lúc còn là học sinh tú tài trong huyện. Một buổi sáng lạnh rét, ông đi học thấy một người nằm ngã trong tuyết. Người đã cứng đờ. Ông liền cởi áo lông cừu khoát lên và dìu về nhà cấp cứu. Sau có vị thần báo mộng rằng: “Thấy ngươi cứu người chân thành, ta sẽ gửi Hàn Kỳ làm con cho người.” Sau ông sanh con hiệu là Trác Am, đặt tên là Kỳ để kỷ niệm việc này.

Hàn Kỳ là một quan tướng văn võ toàn tài trong đời Tống. Từng làm mười năm thủ tướng, người tài giỏi vô cùng, trong nước ai ai đều kính nể, nước ngoài e sợ. Lập nhiều công lớn cho triều đình. Vua Thần Tông phong cho ông hai chữ “Trung Hiến”. Người sau này gọi ông là ông Hàn Trung Hiến.

Giúp đỡ ngấm ngầm

Ở Đài Châu có ông Thượng Tư tên là Ứng. Lúc còn trẻ học trong vùng núi. Ban đêm nghe nhiều ma tụ lại hú nghe ghê sợ. Mọi người đều sợ không dám ở, song ông Ứng không sợ. Một đêm ông nghe ma nói chuyện với nhau rằng: “Có một bà, người chồng đi xa lâu quá không tin tức, cha mẹ chồng tưởng con đã chết nên ép bà này lấy người khác. Bà không chịu cho nên định tối nay treo cổ tự tử ở đây. Vậy ta sẽ có người thế rồi.” (Ma treo cổ chết phải đợi người treo cổ khác thay thế mới được đi đầu thai.)

Ông Ứng nghe vậy ngầm bán đi miếng ruộng của mình được bốn lạng vàng, và viết thêm một lá thư giả làm như người con từ xa gửi tiến về. Cha mẹ chồng thấy chữ viết không giống sanh nghi ngờ. Nhưng lại nghĩ rằng thơ có thể giả nhưng ai mà giả mạo gửi tiền vế để làm gì? Vì thế mà tin con mình còn sống, không ép con dâu lấy chồng khác nữa. Sau con trở về, vợ chồng ái ân không bị tan rã nữa.

Một đêm khác ông Ứng nghe ma nói nhau: “Ta đáng lẽ đã tìm được người thay thế, không ngờ lại bị gã Tú tài này làm hỏng việc.” Ma bên cạnh bảo: “Sao không hại nó?” Rằng: “Thượng đế cho rằng ông này có lòng tốt, đã phong cho ông chức Âm Đức Thượng Thư, cho nên ta hại không được.”

Ông Ứng biết vậy càng cố gắng hành thiện thêm. Điều thiện ngày càng tu thêm, âm đức ngày càng trữ nhiều. Gặp năm mất mùa nạn đói, ông Ứng đều lấy gạo của mình ra cứu trợ. Khi bà con bạn bè gặp khó khăn ông đều hết lòng giúp đỡ. Khi gặp người khác đối xử không tốt với ông, ông chỉ trách mình có thái độ nào không đúng cho nên người khác hiểu lầm và đối xử không tốt với mình, nghĩ như vậy ông liền cam tâm chấp nhận. Con cháu của ông Ứng thi đậu làm quan nhiều không kể được.

Giúp nghèo xây công

Ở huyện Thường Thục tỉnh Giang Tô có ông Từ, hiệu Phụng Trúc, tên Thức. Cha ông là chủ ruộng khá giàu. Thỉnh thoảng gặp phải năm mất mùa, cha ông đều không lấy tiền thuê ruộng của các nông dân, làm gương cho các chủ ruộng khác noi theo. Ngoài ra còn lấy gạo cứu giúp dân nghèo. Đêm thường nghe quỷ la trước nhà rằng: “Trăm không dối, ngàn không dối, tú tài nhà Từ sắp lên cử nhân lối.”

Đêm nào cũng la hét như vậy. Quả nhiên trong năm đó đứa con Phụng Trúc thi đậu cử nhân. Vì vậy ông càng cố gắng tích trữ công đức thêm, hăng say không ngừng. Thấy cầu hư sửa cầu, thấy đường hư sửa đường, cúng dường trai tăng, tiếp tế cứu trợ dân nghèo. Chuyện gì hễ có lợi cho công cộng ông đều làm hết. Sau đó lại nghe quỷ la trước nhà rằng: “Trăm không dối, ngàn không dối, cử nhân nhà Từ đi đến Đô Đường lối.” Cuối cùng đứa con Phụng Trúc làm đến quan Tuần Phủ, trông coi cả miền đông và miền tây tỉnh Chiết Giang.

Làm thiện sau lưng không ai biết

Ở phủ Gia Hưng có ông Đồ Khang Hy. Lúc mới làm chủ sự trong Bộ Hình, ông thường trực ban đêm ở trong tù. Cho nên có rất nhiều dịp tiếp xúc các tù phạm, biết được một số tù phạm bị oan. Ông có thể biện hộ cho tù phạm trắng án để lập công riêng, nhưng ông không làm như thế. Ông bí mật viết báo cáo lên quan toà. Mỗi năm vào mùa thu là lúc quan toà xử lại các vụ án lớn. Quan toà thường căn cứ trên báo cáo của ông Đồ mà xét xử, làm ai ai cũng đều khâm phục sự phán xét công bằng của toà và trắng án được mười mấy người tù. Dân chúng trong Kinh Đô đều hoan hô sự xử lý công bằng của Thượng Thư Bộ Hình mà không biết sau lưng là công lao của ông Đồ. Ông Đồ lại xin đề nghị cấp trên rằng: “Nội trong Kinh Đô mà đã nhiều tù phạm bị oan như vậy, thử hỏi trong nước cả triệu dân, những người bị oan chắc sẽ rất nhiều. Xin đề nghị mỗi năm năm phái một quan giảm hình đến khắp nơi điều tra lại các vụ án, cân nhắc lại các trừng phạt hầu đem lại sự chính xác và công bằng”. Quan Thượng Thư theo đề nghị này tấu lên vua và được chấp thuận. Ông Đồ cũng được phái làm một trong những quan giảm hình. Một đêm có thần báo mộng với ông Đồ rằng: “Mạng ông vốn không con, nhưng đề nghị giảm hình của ông rất hạp lòng trời. Thượng đế tặng ông ba đứa con, trong tương lai sẽ làm quan lớn.” Đêm đó phu nhân có thai. Sau sanh con Ứng Huân, Ứng Khôn và Ứng Tuấn đều làm quan hiển hách.

Chân thành cúng dường xây mái chùa

Ở tỉnh Gia Hưng có ông Bao Bằng, hiệu là Tin Chi. Thân phụ ông là quan Thái Thú ở phủ Trì Dương, tỉnh An Huy. Ông Bằng có tất cả bảy anh em, ông là con út, là rể của gia đình họ Viên ở Hồ Bình. Hai gia đình rất thân nhau. Ông Bằng tài cao học rộng, nghiên cứu sâu rộng về Phật và Lão Tử. Nhưng thi mãi không đậu. Có lần đi chơi ở hồ Liễu phía đông. Thấy tượng Quan Âm đứng bị ướt đẫm vì mái chùa bị dột. Ông liền cúng dường hết mười lạng vàng cho vị trụ trì sửa mái nhà. Vị trụ trì nói công đức thí chủ tuy lớn nhưng công trình sửa mái khá lớn, e rằng số tiền cúng dường không đủ để hoàn tất. Ông liền lấy ra bốn tấm vải quý, sản xuất tại Tùng Giang, và một số áo mới mắc tiền để cùng dường. Người hầu thấy vậy xin cản. Ông Bằng nói: “Chỉ cầu thánh tượng yên ổn là được rồi, còn tôi không áo mặc cũng chẳng sao.” Thầy trụ trì cảm động khóc ra nước mắt rằng: “Bỏ ra tiền và áo vải bố thí cũng chẳng phải là khó, nhưng lòng chân thành như thế thật hiếm có.” Sau khi sửa xong mái chùa, ông dẫn thân phụ đến viếng chùa. Đêm đó ngủ lại tại chùa. Ông nằm mơ thấy thần Hộ pháp Già Lam đến cám ơn và nói rằng: “Con cháu ông sẽ hưởng giàu sang phú quý.” Sau ông có con là Biện, có cháu tên là Sanh Phương, cả hai đều thi đậu tiến sĩ, làm quan rất hiển hách.

Giúp tù không cần đền đáp

Ở huyện Gia Thiện có ông Lập Chi. Cha ông làm quan trong Bộ hình. Thấy một tội phạm bị oan tội tử hình, cha ông rất lấy làm thương hại tìm cách gỡ tội oan đó. Ông tù cảm động nói với vợ rằng: “Anh rất lấy làm hổ thẹn vì không thể đền đáp lòng tốt của ông Chi. Ngày mai em mời ông Chi về nhà mình. Em xin làm thiếp ông ấy. Nếu nhận mối tình này thì anh mới có hy vọng không chết.”

Vợ khóc nhưng cũng phải đồng ý. Khi ông Chi đến nhà, vợ lấy rượu chiêu đãi và ngỏ ý của chồng mình. Ông Chi từ chối. Nhưng vẫn hết lòng chạy cho phạm nhân trắng án. Đến khi ông tù được thả tự do, hai vợ chồng đến nhà quỳ lạy cám ơn rằng: “Trên đời này không còn ai đức cao nghĩa rộng như ngài. Biết ngài không con, chúng tôi xin dâng đứa con gái làm thiếp. Vậy chắc cũng hợp tình hợp lý.”

Ông Chi đồng ý và chuẩn bị nhiều quà để xin cưới. Sau sanh con tên Lập. Hai mươi tuổi đã thi đậu cử nhân hạng đầu. Làm quan Khổng Mục trong Hàn Lâm Viện. Lập sanh con tên là Cao. Cao sanh con tên là Lộc. Đều được bổ nhiệm quan Bác Học. Lộc sanh con tên là Đại Luận, đậu tiến sĩ.

Tiêu chuẩn làm thiện

Mười câu chuyện kể trên tuy việc làm khác nhau nhưng chung quy chỉ là làm thiện mà thôi. Nếu nói kỹ hơn, làm thiện có nhiều tiêu chuẩn; có thật có giả, có thẳng có cong, có âm có dương, có đúng có sai, có chánh có tà, có vơi có đầy, có lớn có nhỏ, có khó có dễ, đều phải phân biệt cho sâu sắc.

Làm thiện mà không hiểu rõ lý lẽ, thì mình tưởng mình hành thiện mà ngờ đâu là tạo ác, uổng công vô ích.

Lợi người, dù chửi dắnh đều là thiện. Lợi mình, dù kính chiều cũng là ác.

Thế nào là thiện thật?

Xưa có vài học già đi thăm hoà thượng Trung Phong, hỏi rằng: “Nhà Phật nói thiện ác báo ứng như bóng theo hình, không chạy đâu khỏi. Nhưng tại sao có người làm thiện mà con cháu không vượng, mà kẻ ác lại phát đạt? Không lẽ lời nói của Phật vô căn cứ sao?”

Hoà thượng trả lời rằng: “Người phàm tâm tính chưa được tẩy gội thanh tịnh, pháp nhãn chưa mở, cho việc thiện là ác, cho ác là thiện là chuyện thường. Quý vị điên đảo thị phi không thấy xấu hổ mà còn chỉ trích báo ứng thiện ác của Phật là sai lầm.”

Những học giả lại nói: “Thiện là thiện, ác là ác, đâu thể nhầm lẫn được.”

Hoà thượng bảo họ nêu lên ví dụ cụ thể thế nào là thiện và thế nào là ác. Một người nói: “Mắng chửi, đánh đập là ác, tôn kính lễ phép là thiện.” Hoà thượng rằng chưa chắc.

Một người khác nói: “Tham lam ăn cắp là ác, liêm khiết giữ luật là thiện.” Hoà thượng đáp rằng chưa chắc.

Mọi người đều lần lượt đưa ra ví dụ, nhưng Trung Phong hoà thượng đều nói chưa chắc. Cuối cùng họ xin hoà thượng giảng giải cho. Hoà thượng nói rằng:

“Việc gì có lợi cho người khác đều là thiện, lợi riêng cho mình là ác. Lợi cho người khác dù mắng chửi, đánh đập vẫn là thiện. Chỉ lợi riêng cho mình dù là tôn kính, lễ phép vẫn là ác. Cho nên việc hành thiện, lợi chung là thật, lợi riêng là gỉả. Xuất phát từ lòng chân thành là thật, lòng giả dối là giả. Không vì mục đích riêng tư là thật, có riêng tư là giả. Phân biệt hành thiện thật hay giả đều phải xét cho rõ.”