Giúp thương tôn kính đời là thiện. Nịnh, ghét bỡn cợt đời là ác
Thế nào là thiện thẳng và thiện cong? Người đời thích chọn người lãnh đạo xu thời, bảo thủ. Thánh nhân thích chọn người có tinh thần cách mạng, tân tiến. Người xu thời thường yếu đuối, nịnh bợ, biết làm hài lòng dân nhưng dưới cặp mắt của thánh nhân cho đó là giặc, là không đạo đức lương tâm. Nhà cách mạng thường kiêu ngạo, không gây cảm tình nhưng họ có tài. Điều đó nói lên tiêu chuẩn thiện ác của người đời đều sai lệch, trái hẳn với thánh nhân. Còn tiêu chuẩn phước hoạ thiện ác của thiên địa quỷ thần đều giống như thánh nhân mà khác hẳn với người đời.
Nếu muốn làm thiện, tuyệt đối không thể theo ý nghĩ của tai và mắt mình. Mà phải tìm sâu trong đáy lòng những tư tưởng của ta mà thanh lọc: Tư tưởng giúp đời, tôn kính, thương người là thẳng. Nếu có một chút ý nghĩ nịnh bợ, hờn giận, bỡn cợt đời đều là cong. Ta nên phân biệt tỉ mỉ điều này.
Khi quan sát một đối tượng cái thấy của mọi người đều như nhau là khách quan. Một khi đối tượng có liên quan đến chủ thể thì cái thấy ấy liền bị sai lệch, che lấp, trở thành chủ quan vì có thêm vào ý nghĩ riêng tư. Cho nên ý nghĩ đó không nên tin.
Dương thiện hưởng tiếng, âm đức hưởng phước
Thế nào thiện âm hay thiện dương? Làm việc thiện mà người ta biết gọi là dương thiện. Làm việc thiện mà không ai hay gọi là âm đức. Âm đức, trời sẽ thưởng. Dương thiện, hưởng tiếng tăm. Tiếng tăm, là phước báu của con người nhưng trời đất không thích lắm. Cho nên những ai hưởng tiếng tăm nhưng không xứng đáng với những gì họ làm thì thường gặp những tai hoạ bất ngờ. Còn người không tội lại bị oan chịu tiếng xấu thì thường con cháu bừng phát đạt. Chỗ sai biệt của dương thiện và âm thiện rất ít, cần phải cẩn thận suy xét.
Việc thiện phải nghĩ đến hậu quả lâu dài
Thế nào là thiện đúng hay thiện sai? Trong thời đại Xuân Thu, các chư hầu thường gây chiến với nhau. Đôi bên đều bắt giữ rất nhiều tù binh làm nô lệ. Người ta có thể dùng tiền để bảo lãnh tù binh về. Nước Lỗ ban hành một pháp luật rằng: “Ai dùng tiền để bảo lãnh tù binh về sẽ được thưởng.” Tử Công là học trò của Khổng Tử, tên là Tứ, giàu có và giỏi về quản lý tài chánh. Tử Công dùng tiền để bảo lãnh tù binh nhưng từ chối lãnh phần thường. Khổng Từ biết được liền giận và bảo: “Tứ làm như vậy là sai rồi. Việc làm của thánh nhân đều là gương sáng cho dân noi theo, tạo nên phong tục tập quán cho sau này. Đâu thể chỉ nghĩ đến cá nhân mình mà muốn làm gì thì làm. Nước Lỗ người giàu ít mà người nghèo nhiêù. Nếu dân bắt chước, cho rằng không nhận thưởng là cử chỉ cao đẹp, thì người nghèo sao có thể bắt chướt như Tử Công được. Từ nay về sau chắc không ai lãnh tù binh từ các nước chư hầu về nữa.”
Tử Lộ, tên Do, cũng là học trò của Khổng Tử. Có lần cứu người khỏi chết đuối. Người ta tặng con trâu để tạ ơn. Tử Lộ nhận lãnh. Khổng Tử nghe được lấy làm mừng và bảo: “Từ nay về sau ở nước Lỗ sẽ có nhiều người lo cứu kẻ chết đuối.” Dưới cặp mắt của người thường thì Tử Công không lãnh tiền thưởng là cao cả, còn Tử Lộ nhận tặng trâu là thấp hèn. Nhưng Khổng Tử lại thích Do mà chê Tứ.
Cho nên quan niệm làm thiện không nên nghĩ đến lợi ích trước mắt mà phải nghĩ đến hậu quả lâu dài về sau. Không nên nghĩ đến đúng cho bây giờ mà phải nghĩ đến đúng cho tương lai. Không nghĩ đến riêng cho mình mà phải nghĩ đến cho mọi người. Việc làm tuy thiện cho hiện thời nhưng sẽ có tác hại khi diễn tiến trong tương lai thì đó không phải là việc thiện. Còn việc làm hiện thời tuy không thiện nhưng về sau này sẽ có ích lợi nhiều cho mọi người thì đó không thiện mà thiện. Còn những chuyện khác như nghĩa mà không nghĩa, lễ mà không lễ, tín mà không tín, từ bi mà chẳng từ bi.. Mọi việc đều phải cẩn thận lựa chọn.
Gặp ác không can thiệp là làm ác.
Thế nào là thiện chánh hay thiện tà? Xưa có ông Lữ Văn Ý. Lúc mới từ chức thủ tướng về hưu, dân trong nước ai cũng mến phục kính nể. Nhưng có lần có một dân làng say rượu chửi mắng ông. Ông không giận và bảo với người hầu rằng: “Đừng suy bì với người say rượu, lễ phép mời họ về.” Qua năm sau, người đó phạm tội tử hình bị giam vào tù. Ông Lữ lúc đó hối hận mà rằng: “Nếu hôm đó ta cho hắn một bài học, đưa ra quan toà trừng phạt. Có lẽ nhờ chút trừng phạt có thể làm hắn sửa đổi lại hơn là ta vì quá nhân hậu tha thứ bỏ qua mà làm cho hằn càng lộng hành thêm và cuối cùng phải chịu hậu quả ngày hôm nay.” Đó là một ví dụ vì lòng thiện mà hoá ra làm ác.
Làm ác với động cơ thiện là làm thiện
Lại có khi làm ác mà hoá ra là việc thiện. Như có một người giàu gặp năm mất mùa, dân nghèo ban ngày cướp gạo tại chợ. Người giàu báo huyện nhưng huyện không can thiệp. Dân nghèo vì vậy mà càng lộng hành thêm. Người giàu cho người trừng trị và giam cầm những tên cướp bóc, nhờ vậy mà ổn định được tình thế, nếu không thì tình trạng không biết sẽ hỗn loạn đến cỡ nào. Cho nên ai cũng hiểu việc thiện là chánh, việc ác là tà. Nhưng có trường hợp việc làm có vẻ ác nhưng với động cơ thiện. Cũng có trường hợp làm thiện nhưng với động cơ ác. Chúng ta không thế không biết đến.